Bỏ giấc mơ làm nghệ sĩ, chàng trai Ngoại thương trở thành thạc sĩ Harvard

Từ một học sinh chuyên Sinh, từng học đàn piano tại Nhạc viện, chàng trai 9x Lê Tuấn Trung đã rẽ hướng và xuất sắc chinh phục Đại học Harvard danh giá.
Lê Tuấn Trung là cựu sinh viên K53 xuất sắc của chương trình tiên tiến Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương (FTU). Anh vừa ghi một dấu mốc ấn tượng trên hành trình học thuật khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Harvard danh giá.
Từ đam mê nghệ thuật rẽ lối quản trị kinh doanh
Trước khi trở thành một sinh viên kinh tế tài năng, Lê Tuấn Trung từng là cậu học trò say mê cây đàn piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Giấc mơ thuở bé của Trung là trở thành một nghệ sĩ, sống trọn với phím đàn và những giai điệu. Nhưng rồi, sự tò mò và khao khát thử thách đã dẫn lối chàng trai đến một ngã rẽ bất ngờ.
“Trong quá trình học và tiếp xúc với thầy cô và các anh chị cựu sinh viên, tôi dần cảm thấy môi trường kinh doanh mới là nơi phù hợp hơn, năng động, thực tế và đầy thử thách", Trung chia sẻ về lý do chọn ngành quản trị kinh doanh tại FTU khi vào đại học.
Với chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, những ngày đầu ở FTU là một thử thách lớn với Tuấn Trung.
"Tiếng Anh lúc đó của tôi rất hạn chế, nói còn bập bẹ, viết thì không hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì của bản thân và sự hỗ trợ từ bạn bè, tôi đã dần theo kịp bài giảng, tự tin hơn trong giao tiếp và cải thiện khả năng học tập từng chút một”, Tuấn Trung nói.
Chinh phục Harvard và hành trình "tự nhận thức"
Sau khi tốt nghiệp FTU, ở môi trường làm việc, Tuấn Trung có cơ hội kết nối và trò chuyện với một số đồng nghiệp từng học tại Harvard Business School (HBS). Qua những cuộc trao đổi sâu và tìm hiểu thêm từ cựu sinh viên cũng như các nguồn thông tin trực tuyến, Trung dần quan tâm tới phương pháp giáo dục đặc trưng của HBS: đề cao thực tiễn, đối thoại và tư duy phản biện.
"Phương pháp học case method của HBS liên tục đặt học viên vào những tình huống thực tế, buộc tôi phải đưa ra quyết định khi thông tin còn thiếu và độ chắc chắn rất thấp", Trung giải thích.
Đặc biệt, HBS còn kiến tạo môi trường để học viên có hành trình tự khám phá bản thân, bắt đầu ngay với câu hỏi: “Bạn muốn làm gì với cuộc đời tự do và quý giá của mình?”.
Quá trình ứng tuyển vào Harvard được Tuấn Trung miêu tả là một cuộc "đối thoại nội tâm đầy khó khăn”.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình ứng tuyển là một buổi tối, Trung tâm sự với mẹ về tuổi thơ. Theo Trung, để chạm đến ngưỡng cửa Harvard danh giá, ngoài thành tích vượt trội, ứng viên phải thể hiện được “câu chuyện và con người thật của mình”. Đây là điều Trung gặp không ít khó khăn bởi bản tính ngại nói về cảm xúc và ước mơ cá nhân.
Chính khoảnh khắc dám mở lòng, chia sẻ chân thật với mẹ đã giúp Trung xâu chuỗi những ký ức- “connect the dots”, chạm tới những cảm xúc và suy nghĩ sâu kín nhất của bản thân, từ đó có thể kể câu chuyện về hành trình theo đuổi tài chính toàn diện (financial inclusion) thông qua giáo dục và công nghệ tài chính một cách chân thực và cảm xúc nhất.
Với Lê Tuấn Trung, hành trình chinh phục tấm bằng Quản trị kinh doanh tại Harvard không chỉ là việc tiếp thu tri thức mà còn là một cuộc “lột xác” trong nhận thức và dũng cảm đối diện với chính mình.
‘Mác Harvard’: Áp lực không từ bên ngoài mà từ chính bản thân
Việc đỗ Harvard là một tin vui bất ngờ đối với gia đình Trung nhưng bên cạnh niềm tự hào, áp lực từ cái "mác Harvard" là điều khó tránh khỏi.
"Áp lực thực sự đến từ chính mình. Khi mới vào trường, tôi nghĩ: đã được hỗ trợ rất nhiều, may mắn được học ở đây thì lúc ra trường cũng phải làm gì đó cho xứng đáng, phải có công việc thật tốt, thật ấn tượng, để không thua kém ai. Nhưng Harvard cũng chỉ là một sự khởi đầu mới. Không phải cái đích mà là một điểm xuất phát khác mà mình có cơ hội nhìn lại bản thân, định hình lại con đường đi và quan trọng nhất là học cách sống đúng với mình hơn", Tuấn Trung chiêm nghiệm.
Sự đa dạng về xuất thân, kinh nghiệm và quốc tịch của sinh viên Harvard tạo nên một mạng lưới vô giá. Trung chia sẻ, những mối quan hệ được xây dựng ở Harvard không chỉ dừng lại ở việc trao đổi kiến thức mà còn là sự đồng hành, hỗ trợ và học hỏi lẫn nhau trên con đường sự nghiệp và cuộc sống.
Giám đốc điều hành Boston Consulting Group (BCG) Jungkiu Choi - người từng trực tiếp làm việc cùng Tuấn Trung nhận xét: “Với khả năng giải quyết vấn đề xuất sắc, nhãn quan kết nối các mảnh ghép để nhìn nhận mọi thứ một cách toàn diện, cùng cam kết phát triển con người, cậu ấy chắc chắn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo được kính trọng và tạo ảnh hưởng lớn”.
Chia sẻ với VietNamNet, Lê Tuấn Trung cho biết đang làm việc tại Singapore với vai trò nhà đầu tư tại một quỹ toàn cầu, tập trung vào các doanh nghiệp tiềm năng tại Đông Nam Á trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính và công nghệ, trong đó, bao quát cả thị trường Việt Nam.
“Tôi muốn đồng hành cùng những doanh nghiệp đang nỗ lực giải quyết các vấn đề xã hội tại Việt Nam, từ hỗ trợ họ gọi vốn, phát triển chiến lược cho đến vận hành và mở rộng quy mô. Với tôi, đó là cách thiết thực nhất để góp phần cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng, đặc biệt là những nhóm yếu thế. Tôi tin rằng, chính những mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội mới là nền tảng lâu dài cho sự phát triển bền vững”, Lê Tuấn Trung chia sẻ.