Bão số 3 rất mạnh và phức tạp, không chủ quan khi ứng phó

Bão số 3 (bão Wipha) rất mạnh, diễn biến phức tạp; các địa phương phải rà soát ngay khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, sớm cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó, tránh tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống.
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khi chủ trì cuộc họp với hơn 1.700 xã, phường khu vực Bắc bộ và bắc Trung bộ trong ngày 20.7 để chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3.
Dự báo ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Ninh - Thanh Hóa
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 20.7, bão số 3 đã mạnh lên cấp 12, dự báo tiếp tục mạnh lên cấp 13 sau đó sẽ suy yếu khi đi vào vùng biển vịnh Bắc bộ ngày 21.7 và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đất liền VN.
Hoàn lưu bão có xu hướng lệch sang hướng tây và nam nên phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Dự báo các tỉnh khu vực đông, tây bắc Bắc bộ, bắc Trung bộ nằm trong vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Trong đó, khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, tác động lớn nhất của bão gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn (Bộ NN-MT), cho biết từ khoảng tối 21.7 vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh - Thanh Hóa có gió mạnh cấp 7 - 9, sóng biển cao 3 - 5 m. Sóng lớn kết hợp triều cường ở mức cao có thể gây ngập úng những khu vực trũng, thấp tại ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, đặc biệt vào thời điểm trưa và chiều các ngày 21 - 23.7.
Đặc biệt, cơn bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa lớn trong 3 ngày tới ở các tỉnh Bắc bộ, bắc Trung bộ. Mưa dự báo bắt đầu từ ngày 21 - 23.7, các tỉnh Đông Bắc, đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có lượng mưa phổ biến từ 200 - 350 mm, có nơi mưa trên 600 mm. Các tỉnh khác ở Bắc bộ và Hà Tĩnh có lượng mưa từ 100 - 200 mm, có nơi mưa trên 300 mm.
Thông tin tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết đã ra lệnh cấm biển từ 11 giờ ngày 20.7, yêu cầu các tàu thuyền, tàu du lịch vào nơi tránh trú an toàn; phân công lãnh đạo tỉnh kiểm tra các địa bàn xung yếu chỉ đạo bảo đảm an toàn cho khách du lịch, khu nuôi trồng, khai thác thủy sản, các mỏ than...
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa sẵn sàng phương án di dời gần 170.000 dân khi có báo động đỏ, thành lập 166 tổ xung kích tại 166 xã, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền và vùng nuôi trồng thủy sản. Nghệ An đảm bảo an toàn 1.061 hồ đập, chuẩn bị phương án phòng sạt lở, bảo đảm thông tin thông suốt tại 121 xã.
Dự báo chi tiết để người dân chủ động ứng phó
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh bão số 3 rất mạnh, diễn biến phức tạp, tốc độ di chuyển nhanh, nhưng lại có thời gian dừng lâu ở gần đất liền càng làm tăng nguy cơ thiệt hại khi đổ bộ. Các địa phương rà soát ngay khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, sớm cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó.
Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải thông tin đầy đủ, chính xác, đánh giá đúng tính chất phức tạp, nguy hiểm của bão, tránh tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống. Cảnh báo khu vực có mưa lớn, nguy cơ ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cao (đặc biệt là phía tây Thanh Hóa, bắc Nghệ An) để chủ động phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
"Ngoài việc đưa ra các số liệu chuyên môn và thuật ngữ kỹ thuật, cần diễn giải rõ ràng, dễ hiểu để người dân nắm được cụ thể. Nếu gió mạnh đến mức nào thì cây có thể đổ, mái nhà cấp 4 có thể bị tốc mái, người ra đường có thể bị gió cuốn, phương tiện giao thông có thể bị thổi bay..., có như vậy người dân mới hình dung rõ mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh", Phó thủ tướng lưu ý.