Ba nhân chứng sống nói về phim Mưa đỏ: Đã thấy hình ảnh chúng tôi ở đó

Nhà văn Chu Lai - tác giả kịch bản Mưa đỏ, chào ba chiến hữu của tiểu đoàn K3 Tam Đảo và nói ‘viết kiểu gì cũng không bao giờ có thể lột tả hết được tinh thần của Quảng Trị’.
Ngoài đoàn phim Mưa đỏ cũng như lãnh đạo Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), sự kiện showcase (khoe phim) Mưa đỏ có sự tham dự của ba nhân chứng lịch sử của trận chiến Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Đó là cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi - trưởng ban liên lạc tiểu đoàn K3 Tam Đảo, đại tá Đào Văn Phê - phó ban liên lạc tiểu đoàn K3 Tam Đảo và Thiếu tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Can.
"Hàng ngàn liệt sĩ nằm lại Thành cổ hôm nay sẽ vui lắm"
Ông Nguyễn Văn Hợi chia sẻ dù mới xem trích đoạn, trong lòng ông đã trào lên bao cảm xúc, nhớ thương đồng đội.
"Khi sang sông nhận nhiệm vụ chốt giữ Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi có 325 người. Trong 81 ngày đêm đó, quân bổ sung gấp bốn lần nhưng ngày 25-5-1972, may mắn còn sống để trở về Hà Nội, chúng tôi chỉ còn có 39 người", ông nhớ lại "tiểu đoàn K3 Tam Đảo có hơn 1000 người vĩnh viễn nằm lại nơi cổ thành".
Với diện tích khoảng 25ha, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ phải hứng hơn 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Thử hỏi làm sao mà sống nổi?
Ngày đó, ông Hợi được cấp trên giao nhiệm vụ đi đón quân bổ sung vượt sông sang. Thấy anh em, ông mừng lắm nhưng lại một "bầy pháo" trùm lên. Chơi vơi trên dòng sông Thạch Hãn chỉ còn tiếng kêu "mẹ ơi", "chị ơi"…
Ông nói "những người lính còn trẻ lắm, chưa biết yêu là gì. Họ vừa rời bàn tay của chị, của mẹ nên trong giây phút cuối cùng, họ chỉ biết gọi mẹ, gọi chị".
Người cựu chiến binh gửi lời "cảm ơn nhà văn Chu Lai, đạo diễn Đặng Thái Huyền và đoàn phim Mưa đỏ, đồng đội của chúng tôi ở tiểu đoàn K3 Tam Đảo cùng hàng ngàn những liệt sĩ đã nằm lại Thành cổ hôm nay hôm nay sẽ mỉm cười và vui lắm đây. Vì hôm nay, chúng ta có một tác phẩm điện ảnh, chỉ cần xem xong, đã thấy hình ảnh chúng tôi ở đó".
"Các bạn đã làm nên một phim không có gì xứng đáng hơn để nói về Thành cổ Quảng Trị", ông Hợi chia sẻ thêm.
Còn cựu chiến binh Đào Văn Phê tâm sự, đất nước có được ngày hôm nay là nhờ hàng ngàn, hàng vạn liệt sĩ của chúng ta đã ngã xuống. Khi ra đi, họ không được hưởng không khí ngày 30-4-1975, cái ngày mà những người còn sống để trở về ôm nhau nhảy múa và reo lên "Mẹ ơi con sống rồi, con sẽ về thăm mẹ".
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Can "mong Mưa đỏ được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả".
Ông "tin những câu chuyện về chiến tranh sẽ không bao giờ mất đi trong ký ức của thế hệ trẻ. Cũng mong thế hệ trẻ xem đó để làm gương, góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước".
Không có Thành cổ "mưa máu" thì không có bầu trời xanh hôm nay
Trước khi phát biểu, nhà văn Chu Lai, cũng là biên kịch phim, dành "lời chào đặc biệt tới ba chiến hữu của K3 Tam Đảo". "Là lính đặc công vùng ven Sài Gòn, tôi rất cảm động khi được gặp lại các chiến hữu", nhà văn gần 80 tuổi nói.
Chu Lao cho rằng 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị là một trong những trận đánh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại. 81 ngày đêm, ta hy sinh mỗi ngày đủ một đại đội (80 - 120 người).
"81 ngày đêm đó có hai giai đoạn: một là "sa bẫy chiến", tức đánh nhau mùa khô, quần áo rách bươm, chiến trận đầy đầu; nhưng sau đó là "thủy chiến", tức nước tràn vào tất cả các hầm hào.
Đến nỗi, một liệt sĩ hi sinh, khi kéo lên, phần trên cơ thể cháy đỏ cháy đen dưới nắng mặt trời, còn phần dưới trắng nhẽo dài như cá luộc", ông kể.
328.000 tấn bom dội xuống, mỗi một chiến sĩ phải chịu 10 tấn bom. Có những tử sĩ một ngày "chết" tới bảy lần. Hi sinh nhiều quá, không thể mang sang sông, đành phải chôn tại chỗ, tức tiếp tục bị pháo dội, bom dồn.
Mỗi lần bom rơi, thân thể của liệt sĩ đó lại bay lên không trung, cứ mỗi lần bay lên lại thiếu đi một bộ phận. Cuối cùng, chỉ còn bay lên một bàn tay.
"Viết tiểu thuyết kiểu gì, viết phim kiểu gì, trường ca kiểu gì cũng không bao giờ có thể lột tả hết được tinh thần của Quảng Trị. Và Mưa đỏ, dù công phu đến mấy, cũng chỉ có thể là một lát cắt mà thôi", nhà văn diễn giải.
Chu Lai nói "nếu không có Thành cổ trong "mưa máu" thì không có bầu trời xanh hôm nay. Không có bản giao hưởng máu, không có bản giao hưởng nhân văn thì không có những ngày hòa bình tươi tốt như hôm nay".