Anh hùng miền biên viễn

Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thao Văn Súa hy sinh để bản làng vùng biên được yên bình. 6 năm trôi qua, nỗi đau cũng dần nguôi ngoai với người ở lại, và họ đang từng ngày tiếp bước anh...
Đêm định mệnh
Trận lũ những ngày đầu tháng 8.2019 gây thiệt hại rất lớn tại tỉnh Thanh Hóa, cướp đi sinh mạng của 16 người, trong đó có Trưởng công an xã Nhi Sơn Thao Văn Súa.
Cộng đồng đồng bào người Mông ở bản Pá Hộc (xã Nhi Sơn) có đời sống đặc biệt khó khăn. Họ sống men theo những thẻo đất phía taluy âm của QL15C - tuyến đường huyết mạch nối miền xuôi với các vùng miền núi, xã biên giới phía tây Thanh Hóa. Cuộc sống miền biên viễn còn nhiều gian nan, nguy hiểm, nhất là với những người làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự nơi đây.
Chiều 3.8.2019, mưa lớn trút xuống khu vực biên giới H.Mường Lát (cũ). Lũ quét, sạt lở xảy ra ở nhiều nơi, đất đá tràn xuống nhà dân cuốn trôi người và tài sản. Một trong những vụ sạt lở đó đã cướp đi sinh mạng của Trưởng công an xã Nhi Sơn Thao Văn Súa trên đường làm nhiệm vụ.
Khoảng hơn 17 giờ ngày 3.8.2019, giữa lúc trời mưa lớn, anh Thao Văn Súa căng mình đến những khu vực có nguy cơ sạt lở để tuyên truyền, vận động người dân di dời đến nơi an toàn. Bất ngờ núi sạt lở, hàng ngàn khối đất đá tràn qua QL15C ập thẳng vào người anh, vị trí sạt lở chỉ cách khu dân cư bản Pá Hộc vài trăm mét.
Anh Súa bị vùi lấp dưới đất đá, nhưng thời khắc đó không ai đi cùng và cũng không ai chứng kiến. Sau khi sạt lở xảy ra, cả bản liên lạc kiểm đếm người và trong số hàng trăm người của bản chỉ mỗi anh Súa là không liên lạc được, không ai biết anh đang ở đâu.
Mưa lớn vẫn trút xuống dồn dập, ầm ầm như thác đổ, trời tối mịt, sạt lở có thể tiếp tục xảy ra bất cứ lúc nào nên tối đó không ai dám ra khỏi nhà. Trời càng về khuya, tiếng khóc ngày càng lớn hơn phát ra từ nhà ông Thao Nhia Thái (90 tuổi, bố anh Súa) khi cả gia đình gần như chắc chắn anh đã gặp nạn.
"Bố mẹ chồng, tôi và các con tôi hôm đó đều ở chung một nhà. Sau sạt lở, gia đình gọi hàng trăm cuộc điện thoại cho anh Súa nhưng tất cả đều rơi vào im lặng. Gọi mãi không được, tôi chỉ biết ôm các con khóc, các con nó cũng khóc nhiều lắm, khóc cả đêm không ai ngủ cả. Lúc đó chỉ mong rằng anh ấy đi tuần tra ở đâu đó mà điện thoại hết pin thôi. Sáng hôm sau mưa ngớt dần, bà con trong bản với gia đình hô hoán ra chỗ sạt lở tìm. Đào bới mãi rồi cũng phát hiện anh ấy, nằm dưới lưng chừng vực núi, cách nhà khoảng 300 m thôi", chị Hơ Thị Dợ (38 tuổi, vợ anh Thao Văn Súa) kể.
Tiếp bước cha giữ yên vùng biên
Anh Thao Văn Súa là con út trong gia đình có 7 anh chị em, và cũng là người được học nhiều hơn, làm cán bộ xã. Ở vùng đặc biệt khó khăn như Pá Hộc, nơi đến nay vẫn còn hiếm người học hết cấp 3 thì anh Súa là trường hợp rất đặc biệt: quyết tâm học tập và làm đến chức trưởng công an xã.
Trong những năm tháng giữ vai trò chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự khu vực vùng biên Nhi Sơn, anh Thao Văn Súa là người cán bộ gương mẫu, cương trực, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp sức đảm bảo cuộc sống bình yên nơi rẻo cao.
Ông Hơ Văn Di, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Nhi Sơn hiện tại, là người đã có những năm tháng đồng cam cộng khổ cùng anh Súa đảm bảo an ninh trật tự địa bàn. "Khi anh Súa giữ chức trưởng công an xã thì tôi làm phó trưởng công an xã. Anh ấy là người cương trực, dứt khoát trong công việc nên việc gì anh ấy xử lý đều rất gọn gàng, đảm bảo cả. Hôm đó (ngày 3.8.2019 - PV) mưa lớn, nguy cơ sạt lở cao, theo phân công, anh ấy túc trực hỗ trợ người dân ở bản Pá Hộc, còn tôi ở địa bàn bản khác. Anh em thường xuyên trao đổi về tình hình mưa, sạt lở nhưng đến tối hôm đó gọi mãi không được, nhắn tin nhiều lần anh ấy không trả lời. Đến khuya mới biết thông tin gần nhà anh ấy xảy ra sạt lở lớn, người dân nghi anh ấy gặp nạn, nhưng thật sự lúc đó không thể đi tìm kiếm được vì mưa quá to, sạt lở xảy ra liên tục không thể ra khu vực đó được. Đến hôm sau, anh em công an, lực lượng dân quân và người dân, người thân đi tìm, đào bới đất đá thì thấy anh ấy. Tấm gương hy sinh của anh ấy thúc giục chúng tôi phải vượt qua những khó khăn ở địa bàn với mục tiêu trước nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, giữ yên vùng biên", ông Di kể lại.
Sau khi anh Súa hy sinh, con gái thứ 2 của anh là Thao Thị Kía (20 tuổi) được tuyển vào học tập miễn phí tại Trường CĐ Cảnh sát nhân dân 1 (Hà Nội), và chỉ còn 1 năm học nữa em sẽ ra trường. Kía cho biết mong muốn của em sau khi ra trường là được trở về nơi bản làng vùng cao Nhi Sơn công tác để tiếp bước người cha đã hy sinh bảo vệ vùng biên.
"Bố hy sinh khi em 14 tuổi, những năm qua thật khó khăn để quên được nỗi đau mất đi bố. Bây giờ em chỉ còn 1 năm học nữa là ra trường, em muốn trở về với bản làng vùng cao, dù biết là khó khăn, vất vả hơn những nơi khác. Đó cũng là mong muốn của bố, muốn những người trẻ như em góp sức để giúp cộng đồng người Mông ở đây có cuộc sống yên bình nhất", Kía tâm sự.
Vụ sạt lở năm đó cũng đã làm hư hỏng ngôi nhà của gia đình anh Súa, vị trí ngôi nhà trở thành khu vực có nguy cơ cao tiếp tục xảy ra sạt lở, nên sau khi anh hy sinh, Bộ Công an cùng Công an tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng cho vợ con anh ngôi nhà bằng gạch và xi măng kiên cố hơn, ở vị trí khác, an toàn hơn.