Alo Doctor: Đau nửa đầu - “Nỗi ám ảnh” của dân văn phòng

Ngồi máy tính quá lâu, căng thẳng kéo dài, uống ít nước… những yếu tố thường trực trong môi trường công sở đang khiến ngày càng nhiều người phải đối mặt với chứng đau nửa đầu.
Trong chương trình Alo Doctor phát sóng VTV9, các chuyên gia cảnh báo, căn bệnh này sẽ âm thầm bào mòn năng suất làm việc và chất lượng sống, đặc biệt ở nhóm lao động trẻ tại các đô thị lớn.
Bệnh lý phổ biến nhưng dễ bị xem nhẹ
Theo thống kê, đau nửa đầu ảnh hưởng đến khoảng 10 - 15% dân số toàn cầu. Tại Việt Nam, bệnh lý này xuất hiện ngày càng nhiều trong nhóm lao động văn phòng, nơi áp lực công việc kéo dài, thói quen ngồi lâu, ít vận động và môi trường kín như phòng điều hòa là những yếu tố thường trực. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, tình trạng này có xu hướng gia tăng theo nhịp sống đô thị hóa và cường độ công việc ngày càng cao.
ThS.BS. Vũ Đức Nhân, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn cho biết: "Những triệu chứng mà người làm việc văn phòng thường gặp như đau nửa đầu chủ yếu xuất phát từ việc ngồi làm việc quá lâu, tập trung vào màn hình máy tính, dẫn đến căng thẳng. Khi stress tăng cao, các triệu chứng đau đầu căng cơ hoặc đau do stress rất dễ khởi phát".
Khác với đau đầu thông thường, đau nửa đầu là bệnh lý thần kinh kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, kèm buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Trong môi trường công sở, bệnh làm tăng tỷ lệ nghỉ việc, giảm hiệu suất và khiến người lao động mất khả năng tập trung. Dù khá phổ biến, song bệnh lý này vẫn chưa được đánh giá đúng mức trong các vấn đề sức khỏe nghề nghiệp.
Phòng ngừa và kiểm soát đúng cách
Để giảm nguy cơ, trong mỗi ca làm việc kéo dài 8 tiếng, người lao động nên dành ít nhất 10 - 15 phút nghỉ ngơi để giảm căng thẳng và tránh khởi phát cơn đau, đồng thời đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày. Những yếu tố như bỏ bữa, thiếu ngủ, sử dụng rượu, caffeine hoặc thực phẩm chế biến sẵn cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau nửa đầu và cần được loại bỏ khỏi thói quen hằng ngày.
Với những người đã từng có triệu chứng, việc theo dõi tần suất và mức độ cơn đau là cần thiết để xác định nguyên nhân khởi phát và điều chỉnh kịp thời. Trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, liều khuyến cáo 10 - 15mg/kg cân nặng, không quá 4g mỗi ngày, khoảng cách giữa các liều từ 4 giờ trở lên. Trong đó, paracetamol với hàm lượng 650mg là một lựa chọn phù hợp với thể trạng người trưởng thành Việt Nam.
Chị Nguyễn Vũ Mai Nguyên (Phường Bình Trị Đông A, TP.HCM) chia sẻ: "Làm việc online khiến mình dễ bị căng thẳng. Trời chuyển mưa là đau đầu ập tới, có hôm không thể tiếp tục công việc. Sau khi dùng paracetamol 650mg theo hướng dẫn, mình cảm thấy triệu chứng giảm rõ rệt".
Về lâu dài, người bệnh cần hình thành thói quen sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần ổn định và duy trì vận động nhẹ mỗi ngày để hỗ trợ phòng ngừa. Đau nửa đầu có thể kiểm soát tốt nếu người bệnh chủ động theo dõi và xử lý đúng cách, tránh để bệnh tiến triển mạn tính, ảnh hưởng kéo dài đến sức khỏe và hiệu quả công việc.