AI Hay miễn phí 15.000 tài khoản cho trường Đại học Luật TP.HCM

AI Hay vừa hợp tác với Trường Đại học Luật TP.HCM, tặng 15.000 tài khoản Pro, thúc đẩy chuyển đổi số trong nhà trường và nâng cao năng lực số cho sinh viên, giảng viên.
Tại sự kiện ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU), startup AI Hay tặng 15.000 tài khoản Pro cho Đại học Luật TP.HCM. Với giá trung bình 299.000 đồng một tháng và miễn phí trong vòng một năm, gói tài trợ của AI Hay trị giá hơn 53,8 tỉ đồng.
Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết, 15.000 tài khoản AI Hay Pro là món quà ý nghĩa giúp thầy trò trường tiếp cận gần hơn với AI (trí tuệ nhân tạo) hiện đại. Đây là nguồn lực thiết thực để phục vụ việc học tập, nghiên cứu của giảng viên, sinh viên nhà trường.
Tiến sĩ Sơn kỳ vọng sự đồng hành của AI Hay sẽ giúp quá trình chuyển đổi số của trường được đẩy mạnh, thực chất hơn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước trong thời đại số. Lãnh đạo trường nhấn mạnh buổi MOU với AI Hay không chỉ là dấu mốc quan trọng giữa trường và công ty mà còn là bước khởi đầu cho quá trình chuyển đổi số toàn diện của trường, hướng đến mục tiêu kiến tạo môi trường học thuật sáng tạo, linh hoạt.
Theo Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, AI nói riêng và công nghệ số nói chung không chỉ là công cụ mà đã trở thành nền tảng không thể thiếu trong mọi ngóc ngách của đời sống, trong đó có giáo dục.
"Chúng tôi xác định nếu không áp dụng AI từ bây giờ, trong 5-10 năm nữa trường Đại học Luật TP.HCM không thể tự tin nói là đại học hàng đầu trong lĩnh vực, có thể bị tụt hậu. Do đó trường đã sớm triển khai đề án chuyển đổi số, trong đó có mục tiêu 100% viên chức nhà trường có kiến thức cơ bản về AI, tùy lĩnh vực đặc thù có thể trang bị sâu hơn", Tiến sĩ Lê Trường Sơn nói.
Đồng quan điểm với lãnh đạo Đại học Luật TP.HCM, CEO AI Hay, ông Trần Quang Đức nhận định, 20 năm trước trào lưu phổ cập Internet tại Việt Nam đã được dẫn dắt bởi các tập đoàn như FPT, 10 năm sau, những công ty như VNG, Zalo đã thúc đẩy kỷ nguyên mobile (di động), và hiện tại, AI đang mở ra một kỷ nguyên mới, việc phổ cập AI là xu thế và công nghệ này sẽ còn bùng nổ trong vài năm tới.
Ông Đức cho biết, sau hơn một năm ra mắt, AI Hay đã thu hút hơn 15 triệu lượt tải với hàng trăm triệu câu hỏi hằng tháng. Đa số người dùng hiện tại của AI Hay đến từ học sinh, sinh viên.
Sau khi gặt hái được thành công ở mảng giáo dục, đội ngũ AI Hay nhanh chóng nhận ra mảng luật cũng vô cùng tiềm năng và đang bị bỏ trống. Các mô hình AI quốc tế như ChatGPT, Gemini dù mạnh vẫn thiếu những hiểu biết bản địa, không cập nhật kịp các thay đổi về luật của Việt Nam. Ngoài ra rào cản về ngôn ngữ cũng khiến người dùng khó tìm được những tư vấn, hướng dẫn luật cần thiết khi có vấn đề. Trong khi đó với những công cụ tìm kiếm truyền thống như Google, người dùng tiếp tục phải tìm đọc thông tin từ các trang web và bị rơi vào mê trận quảng cáo, không hiệu quả về mặt tư vấn.