Nhảy đến nội dung
 

70% chuyến bay của tôi bị delay

Có những nỗi ám ảnh rất đời thường, không gào thét ồn ào nhưng len lỏi âm ỉ trong tâm trí mỗi lần nghĩ đến. Với tôi, đó là cảm giác bất lực khi nhìn bảng điện tử trong phòng chờ sân bay nhấp nháy dòng chữ: "Delay 60 phút".

Với nhiều người, một tiếng đồng hồ không phải khoảng thời gian quá dài, có thể là một bữa ăn, một giấc ngủ trưa, một tập phim truyền hình. Nhưng khi thời gian ấy bị "treo" lơ lửng giữa sân bay, giữa trạng thái chờ đợi không chắc chắn và thiếu thông tin, thì nó trở thành một khoảng trống nặng nề, dài hơn bất kỳ giờ nào khác.

Tôi là người thường xuyên di chuyển bằng máy bay, trung bình mỗi năm bay khoảng 15–20 chuyến nội địa. Trong ba năm qua, gần 70% chuyến bay của tôi bị trễ ít nhất 45 phút, trong đó quá nửa bị delay đúng một tiếng hoặc hơn. Con số ấy không chỉ là sự trùng hợp, mà phản ánh thực trạng phổ biến ở một số hãng hàng không nội địa.

Một tiếng delay là một tiếng tôi không làm được gì cả: không thể rời cổng chờ vì sợ bị gọi tên bất ngờ; không thể làm việc vì không gian ồn ào, thiếu tiện nghi. Nếu mang theo trẻ em, đó là một giờ vật lộn để giữ các bé không cáu gắt. Nếu đi cùng người lớn tuổi, đó là một giờ lo lắng vì sức khỏe của họ. Còn với tôi, đó là một giờ mà mọi kế hoạch phía sau bị đe dọa.

>> Hành khách Việt 'buộc phải thông cảm' khi chuyến bay liên tục delay

Nhiều người khuyên: "Đi máy bay thì nên tính dư thời gian ra". Tôi hiểu điều đó. Nhưng có những trường hợp, dù đã chủ động sắp xếp, việc delay vẫn khiến mọi thứ đảo lộn. Tôi từng đặt chuyến bay lúc 7h sáng để kịp họp tại TP HCM lúc 10h. Dự kiến hạ cánh lúc 8h30, đến nơi lúc 9h – thời gian dư ra vẫn ổn. Nhưng rồi máy bay không cất cánh đúng giờ. Sau ba lần lùi giờ, tôi rời sân bay lúc 8h15, đến nơi lúc gần 10h, vào cuộc họp trong tâm thế vừa áy náy, vừa mệt mỏi.

Delay không chỉ khiến lịch trình bị ảnh hưởng, mà còn làm giảm sự chuyên nghiệp – điều không ai muốn khi làm việc nghiêm túc. Tôi không phủ nhận: trễ chuyến là điều có thể xảy ra, vì thời tiết, lý do kỹ thuật, vì an toàn bay. Nhưng điều khiến tôi, và có lẽ nhiều hành khách khác, thấy khó chịu không chỉ là việc delay, mà là cách hãng hàng không xử lý tình huống đó.

Rất nhiều lần chuyến bay bị trễ nhưng thông tin hành khách nhận được chỉ là một câu thông báo lạnh lùng qua loa phát thanh: "Chuyến bay sẽ khởi hành muộn 60 phút do lý do khai thác". Không lời xin lỗi chính thức, không giải thích rõ ràng, không hỗ trợ nước uống, phiếu ăn, không một động thái nào thể hiện sự đồng cảm với hành khách đang mệt mỏi ngồi chờ. Dần dần, sự thờ ơ ấy khiến nhiều người mặc nhiên xem delay là "bình thường mới" của hàng không giá rẻ và chấp nhận một cách thụ động.

Tôi cũng vậy. Tôi đã hình thành thói quen "chuẩn bị tinh thần bị delay" mỗi lần đặt vé. Không còn kỳ vọng cất cánh đúng giờ, tôi tự cộng thêm một tiếng vào mọi lịch trình. Tôi thủ sẵn sách, sạc dự phòng, đồ ăn nhẹ, playlist nhạc – những "chiêu sinh tồn" nơi sân bay. Nhưng đó có phải là điều nên chấp nhận?

Tôi từng bay từ Canada về Việt Nam. Mọi thứ diễn ra đúng giờ đến từng phút. Máy bay boarding đúng giờ, cất cánh đúng giờ. Khi trải nghiệm sự chuyên nghiệp và tôn trọng hành khách như vậy, tôi mới hiểu cảm giác "bay đúng giờ" đáng giá đến thế nào, và càng thấy tiếc khi điều đó vẫn là mong ước xa vời với nhiều chuyến bay trong nước.

Điều tôi mong không phải là tất cả chuyến bay đều đúng giờ bởi điều đó không thực tế. Tôi chỉ mong các hãng hàng không minh bạch hơn, chủ động hơn trong truyền thông, và hỗ trợ hành khách tốt hơn nếu buộc phải delay. Một dòng thông báo rõ ràng, một lời xin lỗi, một chai nước hay phiếu ăn đơn giản, đôi khi chỉ cần vậy là đủ để giảm bớt bức xúc.

Trễ chuyến không chỉ là câu chuyện thời gian. Nó là chuyện của cảm xúc, của sự tin tưởng, và của cách mà hành khách được đối xử. Nếu delay trở thành thói quen, thì trải nghiệm bay sẽ mãi mang theo cảm giác mệt mỏi và bất an.

Chiều nay, tôi có chuyến bay từ Hà Nội vào TP HCM. Giờ cất cánh dự kiến là 13h. Trong lòng tôi là một chút hồi hộp, một chút hy vọng rằng lần này máy bay sẽ không trễ, rằng chuyến đi của tôi sẽ bắt đầu bằng sự suôn sẻ, thay vì những giờ dài căng thẳng vì chờ đợi. Bởi với những người bay thường xuyên như tôi, điều chúng tôi mong đợi không chỉ là được đưa đến đúng nơi, mà là được đưa đi đúng lúc, như đúng lời hứa ghi trên tấm vé.

Nguyễn Linh Giang

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn