4 yếu tố 'đặc thù' làm gia tăng bệnh tim mạch, ung thư tại Việt Nam

Ăn mặn, lạm dụng rượu, ăn ít rau và lười vận động là những đặc thù làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường ở người Việt.
Tim mạch, ung thư trong "cơn sóng ngầm" bệnh không lây nhiễm
Bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường và hô hấp đang được cảnh báo là "cơn sóng ngầm", "kẻ sát nhân" thầm lặng gây ra gần 80% ca tử vong tại Việt Nam.
Bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng mạnh, từ năm 1976 - 2015, tỷ lệ tử vong tăng từ 44,07% lên 73,41%.
Các bệnh này không loại trừ bất kỳ ai, từ trẻ nhỏ, phụ nữ, người trưởng thành đến người già, do ảnh hưởng từ thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động, hút thuốc, rượu bia và căng thẳng kéo dài.
Thông tin trên được GS Nguyễn Viết Tiến, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết tại hội thảo khoa học "Cập nhật những bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh không lây nhiễm" do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp Công ty Roche Việt Nam tổ chức ngày 26.7, tại Hà Nội.
Theo GS Tiến, bệnh không lây nhiễm chiếm 74% tổng chi phí do gánh nặng bệnh tật toàn quốc. Ăn mặn, lạm dụng rượu, ăn ít rau và lười vận động là "đặc thù" làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường… tại Việt Nam.
Một số nghiên cứu cho thấy, 43,8% người lớn sử dụng rượu bia, 63% nam giới và 51% nữ giới có thói quen ít ăn rau củ, trái cây; gần 30% dân số "lười" thể dục; người Việt ăn muối nhiều gấp 2 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Xét nghiệm, sàng lọc sớm để ngăn ngừa bệnh tiến triển
Trước thực trạng "chỉ 43% bệnh nhân tăng huyết áp tuân thủ điều trị, 24% người đái tháo đường không tuân thủ điều trị", GS Tiến nêu nguyên nhân là do người bệnh hiểu lầm, lo ngại về tác dụng phụ nên bỏ thuốc.
Cùng với đó, việc nghe theo "tư vấn không chính thống" khiến bệnh nhân bỏ thuốc, dẫn đến nhiều ca tai biến do bệnh không được điều trị đúng.
Trong khi đó, còn có tình trạng bác sĩ có kiến thức, hiểu cặn kẽ thì không giải thích đầy đủ cho bệnh nhân.
Đáng lưu ý, GS Tiến cho rằng, hiện người bệnh mạn tính mới chỉ biết các triệu chứng cấp tính, nhưng phần chìm là các ca bệnh chưa được chẩn đoán; các yếu tố nguy cơ âm thầm tiến triển thì vẫn chưa được đánh giá, xét nghiệm và phát hiện sớm.
Do đó, có nhiều ca đột ngột đột quỵ, gây tàn phế, thậm chí tử vong. Trong khi đó, nếu được quản lý nhận biết sớm thì hậu quả không xảy ra.
Nhiều người có yếu tố nguy cơ bệnh mạn tính nhưng chưa được xét nghiệm, trong khi trang thiết bị này có sẵn và chi phí không cao. Nếu làm tốt xét nghiệm, phát hiện sớm, nhiều người không bị tàn phế, không tử vong đáng tiếc.
GS Tiến cho rằng, cần có các chương trình sàng lọc sớm bệnh không lây nhiễm để ngăn ngừa nguy cơ trở thành bệnh lý, như với bệnh ung thư, tim mạch; xây dựng mô hình trạm y tế xã quản lý một số bệnh mạn tính để người bệnh được tiếp cận dịch vụ điều trị thuận lợi, được quản lý bệnh.
"Nếu làm tốt, sẽ nhiều người tránh được tình trạng "chân khoèo, tay vạt cỏ" do tai biến. Nếu được sàng lọc sớm, người bệnh mạn tính được kiểm soát bệnh hiệu quả", GS Tiến đánh giá.