3 không khi uống nước lá tía tô

Một nắm lá tía tô có thể trở thành vị thuốc quý tuy nhiên, bạn cần sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm.
Gần đây, nhà tôi chuyển sang uống nước lá tía tô. Tôi mua về rửa sạch nấu và dùng trong ngày. Xin chuyên gia cho biết, dùng lá tía tô như thế nào là tốt nhất? (Nguyễn Kim Hoa - Yên Nghĩa, Hà Nội)
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Việt Hoàng - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y học cổ truyền Trung ương tư vấn:
Tía tô - loại rau quen thuộc trong vườn nhà - không chỉ là gia vị mà còn là vị thuốc quý trong Đông y, mang lại nhiều lợi ích nếu sử dụng đúng cách. Với vị cay, tính ấm, tía tô đi vào ba kinh: phế, tỳ, tâm, giúp kích hoạt vệ khí, giải độc, làm ấm phế và mát gan.
Dưới đây là những công dụng nổi bật và lưu ý quan trọng khi dùng nước tía tô, giúp bạn tận dụng tối đa lợi ích của loại “thần dược” dân gian này.
1. Giải cảm lạnh, phát hãn trừ tà
Tía tô được Đông y gọi là “thuốc giải biểu phong hàn” nhờ khả năng làm ra mồ hôi, đẩy khí hàn ra khỏi cơ thể. Khi mới chớm cảm lạnh, có dấu hiệu ớn lạnh, sổ mũi hay hơi sốt, một cốc nước tía tô ấm có thể cắt cơn bệnh từ sớm.
Cách làm: Lấy một nắm lá tía tô tươi (khoảng 15-20g), thêm 2-3 lát gừng, đun với 300ml nước sôi trong 5-7 phút. Để nước nguội bớt, uống khi còn ấm, sau đó đắp chăn mỏng để ra mồ hôi nhẹ. Phương pháp này giúp “phát hãn giải biểu”, đưa khí tà ra ngoài, giảm sốt và sổ mũi hiệu quả.
Lưu ý: Chỉ dùng khi cảm lạnh (ớn lạnh, sợ gió). Nếu sốt cao, mặt đỏ, khát nước (cảm nhiệt), không nên dùng tía tô.
2. Giảm dị ứng, mề đay, ngứa da
Tía tô có khả năng giải độc, thanh nhiệt, làm mát máu, rất hiệu quả trong trường hợp dị ứng, nổi mẩn, mề đay sau khi ăn hải sản hay tiếp xúc chất kích ứng.
Cách dùng: Đun một nắm lá tía tô tươi với 300ml nước trong 5 phút, để nguội bớt rồi uống. Nếu ngứa nặng, có thể dùng nước lá tía tô để rửa vùng da bị ngứa hoặc xông nhẹ toàn thân. Tía tô giúp bình phong, dưỡng vệ khí, giảm sẩn ngứa nhanh chóng. Từ đó, thức uống này giúp tăng sức đề kháng, làm dịu kích ứng da, đặc biệt phù hợp với người có cơ địa dễ dị ứng.
3. Hỗ trợ tiêu hóa, giảm đầy bụng
Với người hay đầy bụng, khó tiêu, ợ chua hay mệt mỏi sau bữa ăn, nước tía tô là giải pháp tự nhiên giúp kiện tỳ, hành khí, kích thích tiêu hóa.
Cách dùng: Lấy 10-15g lá tía tô tươi (hoặc 5-7g lá khô), thêm 2 lát gừng, đun với 300ml nước. Uống trước bữa ăn 30 phút, dùng đều đặn 5-7 ngày để cải thiện tiêu hóa, giảm đầy hơi và ăn ngon miệng hơn.
Tía tô giúp “hành khí thuận”, đẩy khí trệ, đặc biệt tốt cho người lớn tuổi hoặc người tỳ hư như mệt mỏi, ăn kém.
Lưu ý khi sử dụng nước tía tô
Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
1. Không lạm dụng: Tía tô tính ấm, uống quá nhiều có thể gây nóng trong, bứt rứt, khó chịu. Mỗi ngày chỉ nên dùng 1-2 cốc (300-500ml).
2. Không đun quá lâu: Tinh dầu trong tía tô dễ bay hơi, vì vậy chỉ nên đun nhẹ trong 5-10 phút để giữ nguyên dược tính.
3. Không dùng trong trường hợp cảm nhiệt: Người sốt cao, khát nước, mặt đỏ không nên dùng tía tô vì có thể làm tình trạng nặng thêm.
Ngoài ra, những người có cơ địa nóng trong hoặc đang dùng thuốc Tây cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Lá tía tô tươi nên dùng ngay, nếu dùng lá khô, cần bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc.