Nhảy đến nội dung
 

14 triệu dân ở TP.HCM mới là cơ hội lớn cho ngành bán lẻ

Cơ hội đang mở ra với ngành bán lẻ khi TP.HCM là siêu đô thị 14 triệu dân, trẻ có sức cầu tiêu dùng ngày càng lớn bởi tầng lớp thượng lưu đang trỗi dậy.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Không gian phát triển TP.HCM - Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ" do Sở Công Thương TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức vào chiều 11-7, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, nhà cung cấp hàng hóa vui mừng với TP.HCM sau sáp nhập trở thành một siêu đô thị lớn. 

Điều này sẽ tạo ra một thị trường lớn cho các nhà bán lẻ, nhà kinh doanh khai phá. 

Khơi thông tiềm lực

Ông Lê Trường Sơn - phó tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết kênh bán lẻ hiện đại đang chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại là tạp hóa và chợ truyền thống, do đó ngành bán lẻ Việt Nam khá đa dạng, mỗi kênh đều có vai trò quan trọng, điều này càng thấy rõ trong đợt dịch COVID-19. 

Đại diện Saigon Co.op cho rằng việc sáp nhập sẽ giúp thị trường tiêu thụ tại TP.HCM lớn hơn, doanh nghiệp bán lẻ chủ động phương án để hài hòa với không gian phát triển mới, phục vụ khách hàng tốt hơn. 

Ông Paul Lê - phó chủ tịch phụ trách xúc tiến thương mại, Tập đoàn Central Retail Việt Nam - vui mừng "vì từ nay thành phố đông dân hơn, số lượng tiêu dùng cũng đông hơn".

Ông Paul Lê cũng chỉ ra những trở ngại khiến ngành bán lẻ không được phát huy trong thị trường lớn. Đó là điều kiện logistics, điều kiện giao hàng, bảo quản còn hạn chế, thiếu kho lạnh... Vì vậy, nếu các hạ tầng logistics hoàn thiện hơn, chi phí tốt hơn thì dịch chuyển hàng hóa bán lẻ sẽ tăng mạnh, ví dụ lượng vải thiều bán ra có thể gấp 3-4 lần so với hiện nay.

"Chúng tôi chủ động đưa hàng quốc tế về Việt Nam và đem hàng Việt Nam đi thế giới nhưng điều quan trọng là logistics tổ chức thế nào để mang hàng thế giới về cho 14 triệu người ở TP mới và mang hàng từ TP.HCM mới ra thế giới", ông nói.

Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến để phát triển ngành bán lẻ, thương mại điện tử cho "siêu đô thị" TP.HCM sát với thực tế, đó là đẩy mạnh phân phối, thúc đẩy chuyển đổi số…

Theo ông Trần Quốc Bảo - phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO kiêm giám đốc điều hành kênh thương mại điện tử E2E - với không gian mới của TP.HCM, về thương mại điện tử, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á và khả năng sớm đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng, vượt qua Thái Lan. Ông Bảo đề xuất phải khơi thông tiềm lực, có kỹ thuật, kỹ năng và chọn mặt hàng gì để lên sàn, để tránh xung đột giữa các kênh phân phối. 

"Bây giờ nên đặt trọng tâm ở khâu phân phối, không nhất thiết xúc tiến nhiều nữa. Chúng ta hãy cụ thể hóa bằng hoạt động thực tế, để vượt qua Thái Lan, thành quốc gia đứng thứ hai về thương mại điện tử ở Đông Nam Á", ông Trần Quốc Bảo đề nghị.

Đẩy mạnh phân phối, chuyển đổi số để vượt Thái Lan

Cùng đồng quan điểm trên, ông Phan Mạnh Hà - giám đốc đối ngoại sàn thương mại điện tử Shopee - cũng nhận định Việt Nam không thua Thái Lan về thương mại điện tử. "Shopee Việt Nam còn phát triển tốt hơn Shopee Thái Lan. Tiềm năng thương mại đã có rồi, TP.HCM giờ là trung tâm siêu đô thị thì tiềm năng càng lớn", ông Hà nói.

Vị doanh nhân này cũng trăn trở với chuyện ở khu vực nông thôn thương mại điện tử hay chuyển đổi số không bằng khu vực thành thị, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương cũng không nắm bắt nhanh xu hướng kinh doanh so với doanh nghiệp lớn.

"Làm sao để thúc đẩy tiểu thương chuyển đổi số nhiều hơn nữa, tham gia sâu về thương mại điện tử. Phải truyền thông lợi ích của thương mại điện tử với tiểu thương bởi khi thấy được lợi ích thì họ mới đồng hành", ông Hà nêu ý kiến.

Góc độ chuyên gia, TS Đinh Công Khải - phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM - một lần nữa khẳng định siêu đô thị TP.HCM sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng. Theo TS Khải, hiện nay ngành logistics và bán lẻ ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang ở mức trung bình, còn chậm so với các nước phát triển.

Lý do là trước đây xây dựng logistics cục bộ, manh mún mỗi địa phương. Nguyên nhân này cũng dẫn đến các chi phí logistics tăng cao, làm công suất khai thác thấp. Nhưng sau khi sáp nhập hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương vào TP.HCM thì đây là cơ hội để xây dựng đồng bộ, liền mạch hơn. 

"Phải chuyển đổi số, phát triển quy mô doanh nghiệp. Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường cùng đồng hành với nhau, để thúc đẩy tăng trưởng thương mại", TS Khải nói.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn