Nhảy đến nội dung
 

13 đặc khu của Việt Nam: Phú Quý hậu cứ Trường Sa

Đặc khu Phú Quý của tỉnh Lâm Đồng, gồm 12 đảo lớn nhỏ, là khu vực hậu cứ, hậu cần trực tiếp chi viện và tiếp ứng cho đặc khu Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, cả nước có 13 đặc khu, chính thức vận hành từ ngày 1.7.2025, gồm: Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh); Cát Hải, Bạch Long Vĩ (TP.Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng); Trường Sa (Khánh Hòa); Phú Quý (Lâm Đồng); Côn Đảo (TP.HCM); Phú Quốc, Kiên Hải, Thổ Chu (An Giang).

Đặc khu Phú Quý cách đảo Trường Sa (thuộc đặc khu Trường Sa) khoảng 206 hải lý (383 km), gần hơn 55 hải lý (100 km) so với căn cứ Cam Ranh.

Đặc khu xưa, đặc khu nay

Đặc khu Phú Quý còn được gọi là cù lao Khoai Xứ, cù lao Thu… Trước năm 1945, Phú Quý là tổng (xã) Phú Quý, thuộc huyện Tuy Phong, dinh Bình Thuận.

Tháng 12.1949, quân Pháp đổ bộ lên Phú Quý, lập bộ máy quản lý "bang tá" và bắt đầu xây dựng các công trình quân sự, sân bay, vành đai kè quanh đảo…

Giai đoạn 1955 - 1957, chính quyền Việt Nam cộng hòa sáp nhập 9 làng của Phú Quý thành 3 xã (Ngũ Phụng, Tam Thanh, Long Hải) và thiết lập đơn vị hành chính tương đương cấp đặc khu, gọi là Nha hành chính Phú Quý.

Tháng 10.1961, Bộ trưởng phụ tá quốc phòng Việt Nam cộng hòa ký nghị định số 1180-CP/NĐ bãi bỏ đơn vị hành chính cấp quận, sáp nhập 3 thôn (Long Hải, Ngũ Phụng, Tam Thanh) thành xã Phú Quý, thuộc quận Tuy Phong, Bình Thuận. Đầu tháng 2.1966, Chủ tịch ủy ban hành chính trung ương Việt Nam cộng hòa chuyển xã Phú Quý, từ quận Tuy Phong về quận Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận.

Giữa năm 1967, chính quyền Việt Nam cộng hòa thiết lập Cơ sở phái viên hành chính (tương đương cấp xã) tại đảo Phú Quý và triển khai xây dựng, nâng cấp kho tàng, sân bay dã chiến, cảng biển, đường giao thông trên đảo Phú Quý.

Ngày 27.4.1975, Phú Quý được giải phóng.

Sau ngày 30.4.1975, Phú Quý là đơn vị hành chính cấp xã, thuộc huyện Hàm Thuận, tỉnh Thuận Hải (sáp nhập 3 tỉnh Bình Tuy, Bình Thuận, Ninh Thuận).

Ngày 15.12.1977, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) ra quyết định số 329/CP về việc thành lập huyện đảo Phú Quý trực thuộc tỉnh Thuận Hải, bao gồm 10 thôn của 3 xã Long Hải, Tam Thanh và Ngũ Phụng (có thị trấn huyện lỵ).

Ngày 26.12.1991, tỉnh Thuận Hải được chia tách thành 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Huyện đảo Phú Quý trực thuộc tỉnh Bình Thuận.

Ngày 16.6.2025, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết số 1671/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lâm Đồng năm 2025. Theo đó, tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông được sáp nhập vào tỉnh Lâm Đồng và "toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Long Hải, Ngũ Phụng, Tam Thanh (của huyện Phú Quý, Bình Thuận) thành đặc khu Phú Quý".

Hậu cứ của Trường Sa

Sau ngày 30.4.1975, lực lượng quân sự trên đảo Phú Quý gồm 2 đơn vị của tỉnh, đại đội ra đa 570 Hải quân và 12 sĩ quan từ quân khu tăng cường quân quản.

Nhận thấy vai trò đặc biệt về quốc phòng an ninh của Phú Quý trên Biển Đông, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã thành lập đơn vị 754 Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) với nòng cốt là một số cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại TP.Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh. 

Ngày 4.5.1975, đơn vị hành quân vào Bình Thuận, ngày 11.5.1975 bắt đầu nhận nhiệm vụ trên đảo và đây là tiền thân của Đồn biên phòng cảng cửa khẩu đặc khu Phú Quý (Lâm Đồng) hiện nay.

Tháng 8.1976, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 475 (cấp trung đoàn) thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thuận Hải (sau là tỉnh Bình Thuận và hiện là tỉnh Lâm Đồng) chuyên trách bảo vệ biển đảo Phú Quý. Đơn vị này gồm 4 đại đội bộ binh, hỏa lực và 3 cụm phòng thủ hỗn hợp, do thiếu tá Nguyễn Minh Quyết chỉ huy.

Đầu năm 1977, Bộ Quốc phòng thành lập Tiểu đoàn ra đa 451 (nay là trung đoàn) thuộc Vùng 4 Hải quân. Ngày 21.12.1977, Quân chủng Hải quân chuyển Đại đội ra đa 570 (Vùng 3 Hải quân) đã đứng chân ở Phú Quý từ năm 1976, về Vùng 4 Hải quân (sau đó đổi phiên hiệu là trạm ra đa 575 thuộc Trung đoàn ra đa 451 hiện nay), để phát hiện các mục tiêu trên vùng biển Nam Trung bộ, Trường Sa.

Từ 1977 - 1987, lực lượng phòng thủ đảo Phú Quý gồm: Đoàn 475, quân sự địa phương, Hải quân, Đồn biên phòng 754, Trung đoàn công binh 240 (Quân khu 5), đơn vị phòng không của Quân chủng Phòng không - Không quân…

Ngày 5.9.1995, tăng cường nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu bảo vệ các mục tiêu trọng yếu ở Nam Trung bộ và Trường Sa, trạm ra đa 55 (Trung đoàn 292, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không - Không quân) đã được thành lập với 35 cán bộ, chiến sĩ, do thượng úy Nguyễn Văn Quyến làm trạm trưởng. Trưa 15.9.1995, trạm đã phát sóng, triển khai chiến đấu tại trận địa Tam Thanh, huyện Phú Quý.

Từ năm 2000, lực lượng vũ trang thường trực (Bộ Quốc phòng, quân khu, tỉnh, huyện) đóng quân trên đảo chiếm gần 1,7 dân số huyện đảo Phú Quý.

Hiện tại đặc khu Phú Quý có các đơn vị phòng thủ quân sự địa phương, trạm ra đa phòng không 55 (Trung đoàn 292, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không - Không quân), trạm ra đa 575 (Trung đoàn 451, Vùng 4 Hải quân), Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý, đơn vị thuộc Lữ đoàn đặc công nước 5 (Binh chủng đặc công), Trạm tìm kiếm cứu nạn Phú Quý… và một số đơn vị Bộ Quốc phòng.

Đặc biệt, trên vùng biển Phú Quý luôn có các biên đội tàu của Vùng 4 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 3, Chi đội kiểm ngư 4, Hải đoàn 18 - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Hải đội 2 - Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng… trực chiến, xua đuổi các tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền.

Điều ít người biết, ở đặc khu Phú Quý hiện có 2 sân bay trực thăng trên đảo Phú Quý và Hòn Hải (nơi có điểm cơ sở A6 tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam).

Một số hình ảnh về đặc khu Phú Quý của tỉnh Lâm Đồng

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn