10 thói quen khiến bạn bị xa lánh

Huấn luyện viên cuộc sống Mitzi Bockmann, chuyên gia mối quan hệ ở New York, Mỹ, chỉ ra 10 thói quen phổ biến khiến bạn bè và người thân dần rời xa.
Không tôn trọng thời gian của người khác
Việc thường xuyên đến muộn hoặc để người khác phải chờ đợi có thể khiến họ cảm thấy không được coi trọng. Thời gian luôn là tài sản quý giá. Thường xuyên phải chờ đợi người khác, bị động trong sắp xếp công việc hoặc cảm giác bị chiếm dụng thời gian cá nhân dẫn đến sự bực bội âm thầm, lâu dần làm rạn nứt mối quan hệ.
Mitzi kể nhóm bạn của cô từng phải chờ một người bạn mỗi sáng để cùng đi dạo. Sau nhiều lần, họ hết kiên nhẫn, rời đi mà không đợi cô ấy và tình bạn dần nguội lạnh.
Cố gắng sửa chữa người khác
Khi ai đó chia sẻ vấn đề, họ cần được lắng nghe và thấu hiểu chứ không phải lời khuyên hay sự phán xét.
Việc liên tục tìm cách sửa chữa hành vi hoặc suy nghĩ của người khác, dù với thiện chí, có thể khiến đối phương cảm thấy bị áp đặt, làm suy giảm sự tin cậy trong mối quan hệ.
Luôn đặt mối quan hệ lãng mạn lên hàng đầu
Ưu tiên tuyệt đối cho mối quan hệ yêu đương (vợ chồng) mà bỏ quên bạn bè hoặc các mối liên kết gia đình có thể khiến người thân cảm thấy bị bạn bỏ rơi.
Sự mất cân bằng này, nếu kéo dài, dễ tạo ra khoảng cách, đặc biệt khi sự hiện diện trong các dịp quan trọng bị thiếu hụt.
Không tôn trọng quan điểm khác biệt
Sự khác biệt trong quan điểm sống là điều tự nhiên, đặc biệt ở người trưởng thành. Tuy nhiên, việc thiếu tôn trọng hoặc cố gắng bác bỏ quan điểm của người khác có thể dẫn đến xung đột và làm mất đi sự an toàn trong giao tiếp. Tôn trọng sự khác biệt là yếu tố cốt lõi để duy trì mối quan hệ bền vững.
Thường xuyên đề cập đến các chủ đề gây tranh cãi
Cuộc sống luôn tồn tại rất nhiều chủ đề có thể gây tranh cãi. Việc liên tục nhắc đến các vấn đề nhạy cảm, đặc biệt với những người có quan điểm trái chiều, có thể khiến không khí trở nên căng thẳng, từ đó ảnh hưởng đến sự thoải mái trong mối quan hệ.
So sánh cuộc sống
Việc so sánh điều kiện sống, mức thu nhập, con cái hay những trải nghiệm cá nhân thường khiến mối quan hệ trở nên gượng gạo. Những người bị so sánh sẽ có xu hướng thu mình và hạn chế chia sẻ, từ đó làm mất đi sự gắn bó vốn có.
Giữ oán hận trong lòng
Xung đột là điều khó tránh khỏi trong bất kỳ mối quan hệ nào. Tuy nhiên, nếu không giải quyết kịp thời và giữ sự oán giận trong lòng, tình cảm dễ bị nguội lạnh. Sự im lặng kéo dài thường dẫn đến mất kết nối hoàn toàn.
Thái độ thụ động – hung hăng
Giao tiếp gián tiếp, bóng gió, mỉa mai thay vì đối thoại thẳng thắn có thể tạo cảm giác khó chịu và không an toàn cho người đối diện. Đây là hình thức thể hiện sự tức giận một cách gián tiếp, dễ dẫn đến hiểu lầm và mất lòng tin trong quan hệ.
Chỉ trích cách người khác làm việc
Ngay cả khi xuất phát từ thiện ý, việc thường xuyên góp ý hay phê bình cách làm của người khác dễ khiến họ cảm thấy bị đánh giá. Sự chỉ trích, nếu không được cân nhắc kỹ lưỡng, có thể khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng và thiếu thoải mái.
Tán tỉnh bạn đời của người khác
Dù chỉ mang tính chất đùa vui, việc tán tỉnh người yêu hoặc vợ/chồng của bạn bè có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Hành vi này dễ làm tổn thương lòng tin, kích hoạt sự bất an và phá vỡ cả tình bạn lẫn mối quan hệ yêu đương trong cùng một vòng tròn xã hội.
Nhật Minh (theo Yourtango)