Nhảy đến nội dung
 

Hợp nhất Phú Yên và Đắk Lắk: Cơ hội phát triển mạnh cho hành lang kinh tế Đông - Tây

UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành đề án sắp xếp các tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên gửi Chính phủ. Đây là đề án đã có sự thống nhất giữa hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk.

Ngày 30-4, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết đã cùng tỉnh Phú Yên thống nhất đề án hợp nhất hai tỉnh thành một đơn vị hành chính mới mang tên tỉnh Đắk Lắk, với dân số hơn 3,3 triệu người, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Buôn Ma Thuột.

Diện mạo tỉnh Đắk Lắk mới sau hợp nhất

Theo đề án, sau khi hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, tỉnh Đắk Lắk mới có trung tâm chính trị - hành chính tại TP Buôn Ma Thuột. Tỉnh Đắk Lắk mới có diện tích hơn 18.000km², dân số hơn 3,3 triệu người, gồm 102 xã, phường, thị trấn.

Hai tỉnh thống nhất cơ cấu tổ chức tỉnh sẽ được tinh gọn theo chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các nhân sự chủ chốt của Đảng bộ tỉnh thực hiện theo quy định của Trung ương.

Các cơ quan của Tỉnh ủy Phú Yên và các hệ thống đoàn thể sẽ hợp nhất vào bộ máy tỉnh mới. 

Đối với HĐND tỉnh, hai tỉnh sẽ hợp nhất các ban, văn phòng và đoàn đại biểu Quốc hội, giữ nguyên tổng số đại biểu. 

Các đơn vị sự nghiệp như Trường Chính trị tỉnh sẽ có trụ sở chính tại Buôn Ma Thuột, cơ sở 2 tại Tuy Hòa. Các cơ quan báo chí sẽ hợp nhất thành Báo Đắk Lắk.

Cũng theo đề án, khối chuyên môn cấp tỉnh gồm 13 sở và 2 đơn vị tương đương là Ban quản lý các khu công nghiệp, Ban quản lý khu kinh tế. Tỉnh Đắk Lắk mới cũng sẽ có 8 đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm các trường cao đẳng, đại học, trung tâm phát triển quỹ đất.

Hiện đã trình đề án hợp nhất lên Chính phủ và lộ trình từ 30-4 đến 30-6 cả hai địa phương sẽ xây dựng phương án hợp nhất các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể. Công tác bố trí nhân sự và xử lý tài sản công sẽ hoàn thành trước ngày 15-9.

Mở ra hành lang phát triển Đông - Tây

Đề án hợp nhất kỳ vọng tạo ra hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây, kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ. Theo đó, vị trí chiến lược của tỉnh mới, với cả sân bay và cảng biển được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho quốc phòng - an ninh và phát triển logistics.

Tuy nhiên, lãnh đạo hai tỉnh cho rằng quá trình sáp nhập cũng đặt ra nhiều thách thức. Việc thay đổi tên gọi và địa giới hành chính sẽ ảnh hưởng đến giấy tờ cá nhân và thủ tục hành chính của người dân. Một số cán bộ dư thừa cần phải được bố trí lại, trong khi yêu cầu công việc tại tỉnh mới cao hơn.

Ngoài ra, khi hợp nhất hạ tầng giao thông giữa hai tỉnh vẫn còn hạn chế, đặc biệt ở các vùng đèo dốc, dễ bị chia cắt khi mưa lũ. Tình trạng cán bộ phải di chuyển xa trung tâm cũng sẽ kéo theo khó khăn về nơi ở và điều kiện làm việc.

Về an ninh - quốc phòng, thế trận phòng thủ của tỉnh mới được đánh giá thuận lợi nhờ địa hình kết nối rừng - biển. Tuy nhiên, địa bàn rộng và dân cư đa dạng có thể gây khó khăn trong điều phối lực lượng, quản lý địa bàn giáp ranh và phòng chống tội phạm.

Đắk Lắk mới kỳ vọng cải cách hành chính sẽ có bước chuyển biến nhờ ứng dụng công nghệ và tinh gọn cơ cấu. Tuy vậy, người dân và doanh nghiệp cần thời gian để thích nghi với các thay đổi ban đầu.

Để việc hợp nhất thành công, hai tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn về mô hình chính quyền hai cấp, biên chế và chức năng nhiệm vụ mới, đồng thời đề xuất đầu tư hạ tầng kết nối như cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk (220km) và quốc lộ 29 (146km) để mở ra không gian phát triển.