Họp bàn sáp nhập, lãnh đạo 2 tỉnh có hành động đoàn kết gây ấn tượng mạnh với cư dân mạng

Hình ảnh lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị khoác tay nhau trong buổi đầu bàn việc sáp nhập tỉnh gây xúc động mạnh, lan tỏa tinh thần đoàn kết...
Biểu tượng của sự đoàn kết và cơ hội lịch sử
Chiều 17.4, tại TP.Đồng Hới (Quảng Bình), hình ảnh lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị khoác tay nhau thân tình trong buổi làm việc đầu tiên về đề án sáp nhập tỉnh đã nhanh chóng lan truyền trên các trang mạng xã hội, trở thành hình ảnh giàu cảm xúc cho tinh thần đoàn kết và khát vọng phát triển chung.
Những bức ảnh này được xem là một khoảnh khắc "lịch sử" không chỉ vì giá trị hình ảnh mà còn vì thông điệp mạnh mẽ đằng sau: 2 tỉnh từng tách riêng riêng, giờ sẵn sàng hướng tới tương lai chung để phát triển.
Trên mạng xã hội, nhà báo Lâm Quang Huy, Trưởng đại diện Báo Nhân Dân tại Quảng Trị, chia sẻ bức ảnh lãnh đạo 2 tỉnh khoác tay nhau kèm bình luận: "Thông điệp của tấm hình lịch sử. Xây nền móng, truyền cảm hứng để tỉnh Quảng Trị mới phát triển với cảm xúc mới thật dồi dào năng lượng!".
Trong khi đó, nhà báo Dương Sông Lam, đại diện Báo Công an Nhân dân tại Quảng Bình, bày tỏ quan điểm nhẹ nhàng mà sâu sắc trên trang cá nhân có tới 42.000 người theo dõi: "Người tính một phần nhưng trời đất an bài cho hai tỉnh một chữ "Duyên". Giờ là lúc không còn "tỉnh tôi - tỉnh anh" nữa, mà là một tỉnh chung, cần yêu thương và đoàn kết".
Các bức ảnh chụp khoảnh khắc thú vị trên của lãnh đạo 2 tỉnh cũng tạo ra làn sóng lan tỏa tích cực trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người dân chia sẻ hình ảnh này kèm theo những dòng kỳ vọng: "Một cử chỉ nhỏ, một bước tiến lớn", hay "Chỉ cần lãnh đạo nắm tay nhau như vậy, người dân chúng tôi sẵn sàng tin tưởng và đồng hành".
Tránh phân biệt, khơi dậy đồng thuận
Ngoài cử chỉ khoác tay gây chú ý, tại hội nghị, lãnh đạo 2 tỉnh cũng đã thống nhất nhiều giải pháp trọng tâm để xây dựng đề án hợp nhất, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc phối hợp chặt chẽ, giữ gìn tính kế thừa và đảm bảo vận hành trơn tru khi chuyển sang mô hình tỉnh mới.
Một trong những nội dung được quán triệt mạnh mẽ là công tác chính trị - tư tưởng: tránh tuyệt đối tư tưởng phân biệt "tỉnh tôi - tỉnh anh", không để tình trạng chia rẽ ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết.
Tại hội nghị, lãnh đạo 2 tỉnh đã cùng nhau thảo luận sâu về các bước triển khai việc hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh; nhấn mạnh việc hợp nhất không chỉ là một sắp xếp hành chính đơn thuần mà là cơ hội mang tính lịch sử để mở rộng không gian phát triển mới, gia tăng dư địa tăng trưởng, thúc đẩy liên kết vùng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, cho rằng lúc này cần khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Tránh mọi biểu hiện tiêu cực, gây chia rẽ hay tạo tâm lý "được - mất" giữa 2 địa phương.
Tâm lý lo lắng về việc sáp nhập cũng đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình lắng nghe và xử lý ngay tại hội nghị.
Trước những băn khoăn từ đội ngũ cán bộ Quảng Trị về việc di chuyển ra TP.Đồng Hới công tác, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo chuẩn bị phương án cụ thể: từ trụ sở làm việc, nhà công vụ, thiết bị văn phòng đến các điều kiện đảm bảo sinh hoạt ổn định cho cán bộ, công chức, viên chức Quảng Trị chuyển sang tỉnh mới.
"Đây là sự sắp xếp không chỉ về không gian, mà còn là sự tiếp nhận bằng tình cảm và trách nhiệm", một lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chia sẻ bên lề.
Hiện nay, các cơ quan chuyên môn 2 bên đang phối hợp để chuẩn bị thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các tổ công tác liên ngành để triển khai đề án. Việc trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu, bàn thảo cơ cấu tổ chức bộ máy... sẽ được thực hiện theo hướng linh hoạt, đồng thuận và "không để xảy ra xáo trộn lớn".
Ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, cũng nhấn mạnh sau cuộc gặp gỡ này sẽ giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan tập trung xây dựng hoàn thiện đề án theo đúng nguyên tắc, quy định của Trung ương.