Nhảy đến nội dung
 

Hồn gốm Bát Tràng kể chuyện lịch sử

Một thế hệ nghệ nhân trẻ của làng gốm Bát Tràng vẫn miệt mài sáng tạo, thổi hồn cho sản phẩm đặc trưng quê mình.

Không chỉ kế thừa tinh hoa nghề truyền thống, họ đang trong vai những người kể chuyện đặc biệt từ chính đôi tay tài hoa và trái tim nhiệt huyết của nghệ nhân trẻ.

"Tri ân lịch sử dân tộc trên gốm sứ", dự án ra đời giữa không khí hào hùng của cả nước đang hướng về 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4). Qua đôi tay của các nghệ nhân trẻ, nhiều tác phẩm gốm sứ độc đáo, thấm đẫm tinh thần yêu nước.

Các sản phẩm vừa được giới thiệu trong không gian nghệ thuật đặc biệt tại sự kiện "Hẹn ước Bắc Nam" mới đây tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Và các tác phẩm ấy sẽ tiếp tục được trưng bày tại triển lãm "Không gian du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam" tại TP Huế từ 27-4 đến 2-5.

Hồn gốm tình người

Dự án này là ý tưởng ấp ủ và thành hình của các nghệ nhân được sinh ra trong thời bình Vũ Đình Mạnh, Vũ Văn Đức, Phạm Văn Hợi, Nguyễn Văn Hưng, Phạm Minh Quang, Nguyễn Văn Phước và Nguyễn Huy Hoàng. Họ bảo được sinh ra và lớn lên trong hòa bình đã là một may mắn trong đời khi sự bình yên ấy đã được đánh đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ đi trước.

"Niềm tin ấy khiến họ luôn trăn trở tìm cách làm sao có thể lột tả lòng biết ơn sâu sắc ấy một cách ý nghĩa nhất" - anh Vũ Đình Mạnh nói, đôi mắt ánh lên niềm vui.

Những đường nét hoa văn cổ vốn luôn có sức hút với các nghệ nhân làng gốm. Với họ, gốm sứ không chỉ là một nghề mà trở thành thứ ngôn ngữ đặc biệt mà họ muốn dùng để kể lại những câu chuyện lịch sử hào hùng về cha ông theo cách riêng của họ.

Các nghệ nhân trẻ Bát Tràng không chọn cách tái hiện sự kiện bằng những đường nét khô khan. Họ muốn góp phần thổi vào mỗi tác phẩm gốm sứ hơi thở thời cuộc. 

Bằng hồn đất dung dị quê mình, họ tạo tác phẩm hình tượng Quốc Tổ Hùng Vương uy nghiêm, tái hình khí thế Bạch Đằng Giang dậy sóng đến tinh thần "Nam quốc sơn hà" bất diệt. Không chỉ là sự dày công nghiên cứu mà còn là kỹ thuật chế tác điêu luyện để khách tham quan cảm nhận được cái hồn của từng câu chuyện qua mỗi tác phẩm.

"Để tải được cái thần của lịch sử, chúng tôi tìm đọc sách, xem tư liệu và còn tìm về cội nguồn", nghệ nhân Nguyễn Văn Hưng tâm sự. Cách các anh tìm về cội nguồn chính là cẩn trọng mang đất và nước thiêng từ Đền Hùng về rồi hòa vào nguyên vật liệu khi chế tác sản phẩm.

"Chúng tôi muốn mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ cảm nhận lịch sử một cách sống động bằng cách chuyển tải khác ngoài những trang sách. Chúng tôi tạo ra các sản phẩm mang hồn thiêng sông núi", anh Hùng nói thêm.

Sáng tạo không giới hạn

Có thể nói toàn bộ các tác phẩm của dự án được chế tác với sức sáng tạo không giới hạn. Vượt khỏi ranh giới bó buộc theo khuôn mẫu cũ, họ mạnh dạn thử nghiệm những kỹ thuật mới, những màu men độc đáo với mong muốn sản phẩm kể câu chuyện lịch sử phải thật gần gũi với thế hệ mình.

Ở đó còn là lòng biết ơn. Nghệ nhân Nguyễn Văn Phước tỉ mẩn tô màu từng chi tiết trên bức tranh Hịch tướng sĩ mà anh tự nhận "mỗi nét vẽ là một lời tri ân". Làm sao để người xem thưởng lãm bức tranh gốm ấy không chỉ đang đọc lại trang sử hào hùng mà cảm nhận được tinh thần quật cường, ý chí tự lực tự cường của dân tộc.

Sống với lịch sử, thở bằng văn hóa quê hương và kể câu chuyện của cha ông bằng chính ngôn ngữ của gốm sứ. Đó là tinh thần mà mỗi nghệ nhân trẻ làng gốm Bát Tràng tự nhắc chính mình khi quyết định tham gia dự án.

Gốm sứ qua bàn tay các nghệ nhân như một phương tiện để kết nối quá khứ với hiện tại, khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm của tuổi trẻ với lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc mình. Họ đang góp phần viết tiếp ước mơ trên cội rễ hòa bình và tự do mà thế hệ trước đổ máu xương để vun trồng và trao truyền lại.

"Giữa thời bình, tình yêu nước và sự tri ân lịch sử vẫn cháy bỏng trong tim thế hệ trẻ. Là những người trẻ trong số ấy, chúng tôi may mắn được dùng chính công việc của mình tạo ra những sản phẩm gốm sứ mang đậm hồn quê hương cũng là cách tri ân người đi trước, lan tỏa tình yêu nước với cộng đồng", anh Đình Mạnh nói.