Hơn 192 tỷ đồng xây cầu Mã Đà nối tỉnh Đồng Nai mới

TPO - Cầu Mã Đà và tuyến đường giao thông kết nối được xây dựng sẽ là tuyến đường giao thông kết nối trực tiếp giữa tỉnh Bình Phước cũ và tỉnh Đồng Nai cũ thành tuyến đường nội tỉnh sau khi 2 tỉnh hợp nhất thành tỉnh Đồng Nai mới.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cầu Mã Đà.
Theo đó, UBND tỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Mã Đà nhằm kết nối giao thông thuận lợi giữa tỉnh Đồng Nai (cũ) và tỉnh Bình Phước (cũ), tạo nên hệ thống giao thông thông suốt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sau hợp nhất (hiện tại giữa tỉnh Bình Phước cũ và tỉnh Đồng Nai cũ chưa có giao thông kết nối trực tiếp).
![]() |
Vị trí xây dựng cầu Mã Đà |
Cầu Mã Đà được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn công trình giao thông cấp III, vận tốc thiết kế 80km/h. Cầu Mã Đà (bao gồm đường dẫn đầu cầu) có điểm đầu giao với đường tỉnh 753; điểm cuối giao với đường kết nối từ cầu Mã Đà đến đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn 1, cầu Mã Đà được đầu tư có quy mô mặt cắt ngang rộng 20,5m với 4 làn xe cơ giới và đầu tư các công trình phụ trợ có liên quan khác. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 192 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 135 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 3,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Về tiến độ, dự án phân kỳ giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2025-2027. Quy mô giai đoạn hoàn thiện cầu Mã Đà có bề rộng 34,5m với 8 làn xe cơ giới.
Dự án giải phóng mặt bằng khoảng 1,32 hécta, trong đó đất rừng đặc dụng là rừng trồng khoảng 0,63 hécta, đất rừng sản xuất khoảng 0,46 hécta, diện tích mặt nước khoảng 0,04 hécta, đất giao thông khoảng 0,19 hécta.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, chấp thuận chủ trương cho tỉnh điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo trình tự, thủ tục rút gọn, để thực hiện dự án xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối (khoảng 44km) với đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, giữa tỉnh Bình Phước (cũ) và tỉnh Đồng Nai (cũ) chưa có hệ thống giao thông kết nối trực tiếp nên việc đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối thông qua dự án cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối là cấp thiết, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là kết nối hạ tầng giữa vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép - Thị Vải. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng và đồng thời phục vụ nhu cầu đi lại của công chức, viên chức và người dân từ Bình Phước đến làm việc tại trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai sau khi hợp nhất.