Nhảy đến nội dung
 

Hơn 1.000 trụ sở sau sáp nhập sẽ được TP.HCM sắp xếp ra sao?

TP.HCM đang dùng các trụ sở hiện có để đảm bảo hoạt động không gián đoạn sau sáp nhập. Khi bộ máy ổn định, thành phố sẽ rà soát, sắp xếp lại tài sản công theo hướng hiệu quả, tránh lãng phí.

Thông tin tại buổi họp báo kinh tế và xã hội TP.HCM chiều 24-7, Sở Tài chính TP.HCM cho biết hiện nay tổng số trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, đơn vị thuộc TP.HCM sau sáp nhập là 1.087 địa điểm (gồm cả Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ).

Theo Sở Tài chính TP.HCM, để đảm bảo hoạt động ổn định trong thời gian đầu sắp xếp bộ máy, các cơ quan, đơn vị vẫn làm việc tại nhiều trụ sở.

Việc này làm theo chủ trương của Thủ tướng để bảo đảm công tác quản lý nhà nước tại các nơi mới sáp nhập, đồng thời giảm khó khăn trong đi lại, sinh hoạt cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Mục tiêu là không để ảnh hưởng, gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ công cho người dân.

Đối với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), trước đây trụ sở làm việc của các sở, ban, ngành chủ yếu tập trung tại trung tâm hành chính của tỉnh. Trong khi đó, TP.HCM dùng các trụ sở riêng cho từng đơn vị.

Sau khi sáp nhập, các cơ quan đầu mối đều làm việc tập trung tại TP.HCM mới, đồng thời dùng lại tất cả các trụ sở hiện có để duy trì hoạt động và bảo đảm cung cấp dịch vụ.

Tại Trung tâm hành chính Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), một số trụ sở vẫn được dùng cho một số cơ quan chuyên môn để xử lý công việc chuyển tiếp trong giai đoạn hiện nay. Sau khi tổ chức bộ máy đi vào ổn định, các đơn vị sẽ trình phương án sắp xếp đối với các tài sản này.

Sở Tài chính TP.HCM cho biết thêm ngày 16-6-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2025/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.

Sau khi các đơn vị hành chính mới hoạt động ổn định, TP.HCM sẽ tổ chức rà soát, xác định phần tài sản thiếu - thừa so với tiêu chuẩn, định mức. Trên cơ sở đó, các đơn vị xây dựng kế hoạch xử lý tài sản dôi dư theo chỉ đạo của UBND TP.HCM (tại Công văn số 4520/UBND-KT), để tránh thất thoát, lãng phí.

Theo nguyên tắc, tài sản nhà đất dôi dư sẽ được xử lý theo thứ tự ưu tiên: điều chuyển cho cơ quan, đơn vị khác nếu chưa đủ theo tiêu chuẩn; bố trí hoặc chuyển đổi công năng để dùng cho giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng; nếu không phù hợp sẽ thu hồi, giao cho đơn vị chức năng tiếp nhận, quản lý và khai thác theo quy định pháp luật.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn