Hơn 1 tỷ đồng tiền sính lễ và lời chia tay đẫm nước mắt của đôi trẻ yêu 2 năm

TRUNG QUỐC - “Mẹ em nói đúng, anh không thể làm lỡ tuổi xuân của em. Mình ôm nhau lần cuối nhé”, câu nói nghẹn ngào của chàng trai khi chia tay người yêu khiến dân mạng xót xa.
Tiểu Hứa năm nay 26 tuổi, làm việc ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Anh chăm chỉ chịu khó, luôn lo lắng cho tương lai. Sau 2 năm yêu nhau, anh và bạn gái tính chuyện cưới xin.
Ban đầu, nhà gái đòi 230.000 NDT (hơn 800 triệu đồng) tiền sính lễ, Tiểu Hứa chấp nhận. Nhưng hôm sau, cha cô gái nâng mức tiền lên 480.000 NDT (hơn 1,7 tỷ đồng), còn tuyên bố đây là “giá ưu đãi”.
Nhà gái yêu cầu Tiểu Hứa tự trả khoản vay mua nhà, 80% lương sau cưới phải nộp về cho vợ và giấy chứng nhận sở hữu nhà phải đứng tên cha vợ. Sau một trận cãi vã, mối tình của Tiểu Hứa kết thúc.
Tiểu Hứa cay đắng nói: “Đây đâu phải là cưới vợ, mà là ký hợp đồng bán thân”.
Giá sính lễ ở Trung Quốc đang tăng chóng mặt. Một báo cáo gần đây cho thấy, mức sính lễ trung bình trên toàn quốc đã lên tới 180.000 NDT (hơn 600 triệu đồng), gấp đôi so với 5 năm trước. Một số gia đình ở nông thôn còn đòi tới 500.000 NDT.
Tương tự như Tiểu Hứa, chuyện tình cảm của chàng trai Lý Minh (ở Hà Nam) cũng bị chia cắt vì vấn đề sính lễ. Cha mẹ Lý Minh đều là công nhân, dành cả đời tích cóp chỉ đủ nuôi hai con học đại học.
Việc nhà gái đòi sính lễ 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng) là quá sức chịu đựng của gia đình Lý Minh. Anh từ chối cưới không phải vì không yêu mà vì bất lực, theo Sohu.
Theo cư dân mạng, nhà gái vì lo cho tương lai của con gái sau này, nên muốn nhà trai đảm bảo tiền sính lễ. Nhưng đòi hỏi cần dựa trên hoàn cảnh thực tế. Biết đối phương không đủ điều kiện mà vẫn ép buộc, là không nên.
Nghiêm trọng hơn, nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ cũng vì áp lực tài chính từ tiền sính lễ. Không ít trường hợp người chồng vay nặng lãi để cưới vợ, rồi vợ chồng ngày ngày cãi vã vì nợ nần. Cuối cùng, ly hôn chỉ là sớm muộn.
Lý Minh và Tiểu Hứa đều chọn rút lui vì không có khả năng lo sính lễ.
Sau khi chia tay, Lý Minh chuyển đến thành phố khác làm việc, ôn thi cao học, còn bạn gái cũ vẫn ở lại, không ai nhắc lại chuyện tái hợp. Tiểu Hứa đổi việc, mỗi lần nhắc đến người cũ chỉ lắc đầu: “Không đủ khả năng để yêu”.
Một số địa phương đang nỗ lực thay đổi bằng cách cho phép trả sính lễ theo kỳ hạn, hoặc quy đổi thành tiền góp mua nhà sau cưới. Các trung tâm mai mối cũng thử đàm phán giúp các bên nhưng gặp khó khăn.
Nếu hai bên chịu nhường một bước, nhìn vào thực tế của nhau, đặt tình cảm lên trên, có lẽ sẽ bớt được những câu chuyện đáng tiếc. Vì cuối cùng, hôn nhân là chuyện của 2 người, không thể dựng lên bằng tiền.