Nhảy đến nội dung

Hollywood hoang mang trước yêu cầu áp thuế của ông Trump

Hôm 5/5, ông Trump nói sẽ ủy quyền Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ để áp đặt thuế quan 100% với các phim sản xuất bên ngoài Mỹ và nhập về nước này. Ông cho rằng Hollywood "đang suy tàn", bởi các nhà sản xuất phim đến các quốc gia khác để quay phim nhằm tận dụng ưu đãi thuế. "Hollywood và nhiều khu vực trong nước đang bị thiệt hại nghiêm trọng. Đây là nỗ lực chung có tính toán của các nước, do đó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia chúng ta", tổng thống viết trên mạng xã hội Truth Social.

Theo CNN, nhiều người trong ngành bối rối trước ý định của ông Trump. Một số giám đốc hãng phim và nền tảng phát trực tuyến tỏ ra bức xúc, nghĩ rằng tổng thống chưa tính đến hậu quả từ đề xuất của ông.

Nhiều phim Mỹ, điển hình là Mission: Impossible James Bond, giảm thời gian ghi hình tại Los Angeles những năm gần đây. Cách làm này không chỉ để tiết kiệm chi phí mà còn tạo ra sự chân thực trong cảnh quay, quảng bá hình ảnh các quốc gia đến khán giả toàn cầu. Việc áp thuế sẽ buộc họ phải quay lại Mỹ, tăng đáng kể ngân sách sản xuất. Điều này có thể khiến các hãng phim giảm số lượng phim ra mắt, nhất là dự án có kinh phí lớn.

Cây bút Jesse Hassenger của Guardian đánh giá quyết định làm hạn chế sự sáng tạo. Nhiều êkíp có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các dự án đòi hỏi bối cảnh quốc tế. Hình ảnh - yếu tố quan trọng để làm nên một bộ phim - bị giới hạn nếu chỉ sử dụng phông xanh và hiệu ứng kỹ xảo.

Trước đó, nhiều tác phẩm để lại dấu ấn nhờ việc tận dụng địa điểm thực tế ở nhiều quốc gia, như thương hiệu The Lord of the Rings (quay tại New Zealand), Mission: Impossible - The Final Reckoning của Tom Cruise thực hiện tại Anh, Malta và Nam Phi, hay Thunderbolts của Marvel ghi hình tại Georgia (Mỹ) nhưng có cảnh quay quan trọng tại tòa nhà Merdeka 118 ở Kuala Lumpur (Malaysia), nhạc phim được thu âm tại London (Anh).

Ngoài các dự án thương mại, dòng phim độc lập bị ảnh hưởng nặng. Với chi phí thấp, các êkíp Mỹ thường tìm đến nước ngoài để giảm chi phí, tận dụng các khoản tài trợ thông qua các thỏa thuận hợp tác. Ví dụ, tác phẩm đoạt giải Oscar The Brutalist của Brady Corbet là dự án của êkíp Hungary, Anh và Mỹ. Đoàn phim được hưởng ưu đãi thuế, trợ cấp sản xuất, quay tại Budapest với chi phí thấp. Các phim hành động như của Gerard Butler, Liam Neeson hay Jason Statham đều có cảnh quay ở các nước Đông Âu. Ở Liên hoan phim Cannes 2025 diễn ra vào ngày 13-24/5, phần lớn dự án có sự hợp tác quốc tế hoặc quay phim ngoài nước Mỹ.

Không chỉ ở Mỹ, các nền điện ảnh Canada, Anh, Australia, New Zealand, cùng quốc gia châu Âu như Hungary và Italy cảm thấy lúng túng. Số liệu mới nhất từ Viện Phim Anh cho thấy 6,37 tỷ USD chi tiêu cho sản xuất phim và truyền hình tại Anh đến từ nguồn quốc tế trong năm 2024. Chương trình xây dựng studio ở Anh nhằm tăng năng lực sản xuất có thể lập tức bị ảnh hưởng từ đòn thuế của ông Trump. Còn tại Australia, ngành điện ảnh có thể mất đến 495 triệu USD.

Một bộ phận chuyên gia cho rằng động thái của ông Trump đưa ra là có cơ sở. Đại diện tổ chức Film LA cho biết các hoạt động sản xuất tại Los Angeles - thủ phủ Hollywood - giảm gần 40% trong một thập niên qua. Trong khi đó, các chính phủ trên thế giới tăng cường các khoản tín dụng và ưu đãi hoàn tiền để thu hút các hoạt động sản xuất và giành lấy thị phần trong số 248 tỷ USD - số tiền công ty nghiên cứu thị trường Ampere Analysis dự đoán được chi trên toàn cầu cho việc sản xuất nội dung năm nay.

Năm ngoái, doanh thu phòng vé Bắc Mỹ đạt khoảng 8,8 tỷ USD, thấp hơn so với doanh thu quốc tế - 21,1 tỷ USD. Điều này góp phần thúc đẩy Hollywood hướng tới thị trường nước ngoài, thông qua sản xuất, bấm máy, tuyển diễn viên để thu hút khán giả toàn cầu.

Tuy nhiên, trên Variety, nhiều người nói kế hoạch đánh thuế thiếu cơ sở pháp lý và việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Henning Molfenter - cựu giám đốc sản xuất phim và truyền hình tại Studio Babelsberg (Đức), từng giám sát cảnh quay ở nước ngoài của Captain America: Civil War, The Matrix Resurrections - cho biết sản xuất phim là quá trình phức tạp với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và lao động toàn cầu. Việc áp thuế gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong điện ảnh, gây ra hệ lụy tài chính cho nhà sản xuất Mỹ lẫn quốc tế.

Mặt khác, Giáo sư luật Anupam Chander tại Đại học Georgetown nói từ tháng 2, ông Trump sử dụng Đạo luật Quyền Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế 1977 (IEEPA) để điều chỉnh thương mại quốc tế trong tình trạng khẩn cấp quốc gia. Trong đạo luật này, các sửa đổi Berman (Berman Amendment) là điều khoản được thêm vào năm 1988, hạn chế quyền lực của Tổng thống Mỹ trong việc điều chỉnh hoặc cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu các tài liệu thông tin, trong đó có phim ảnh. Căn cứ theo điều khoản trên, ông Chander nhận định tổng thống không có quyền ngăn chặn các phim nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo Emily Kilcrease - chuyên viên cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), với những rủi ro của các sửa đổi Berman, ông Trump có thể tìm cách áp thuế theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 nhằm chống lại các hành vi thương mại không công bằng hoặc Mục 232 của Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 cho phép áp thuế vì lý do an ninh quốc gia. Dù vậy, Kilcrease cho biết cần mất nhiều tháng nghiên cứu để có thể phê chuẩn các mức thuế.

Hiện nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh động thái của tổng thống Trump: Liệu hành động này có nhắm vào các hãng phim của Mỹ nhưng sản xuất ở nước ngoài hay không? Mức thuế này được áp dụng cho cả các bộ phim chiếu trên dịch vụ trực tuyến hay chỉ với tác phẩm chiếu rạp? Điều gì sẽ bị ảnh hưởng: Hiệu ứng hình ảnh, hợp tác sản xuất hay tài trợ phim?

Sau tuyên bố của ông Trump, cổ phiếu của một số công ty giải trí lớn giảm nhẹ hôm 5/5. Cổ phiếu Disney giảm hơn 3% trong giao dịch trước giờ mở cửa, trong khi Netflix giảm 6% và Warner Bros. Discovery giảm khoảng 4%.

Nhà Trắng cho biết hiện chưa có quyết định cuối cùng, và sẽ tổ chức các cuộc họp trước khi tiến hành. "Chúng tôi sẽ gặp gỡ các đại diện ngành công nghiệp phim ảnh. Tôi muốn họ hài lòng về vấn đề này", tổng thống Mỹ nói.

Một số nguồn tin của Hollywood Reporter cho biết tài tử John Voight - một trong ba nghệ sĩ được ông Trump bổ nhiệm làm "đại sứ đặc biệt" tại Hollywood - thúc đẩy sự quan tâm của tổng thống dành cho sản xuất phim. Cuối tuần qua, họ gặp nhau để thảo luận về kế hoạch phục hồi ngành điện ảnh, nhưng không nêu cụ thể vấn đề thuế quan.

Quế Chi (theo Guardian, Variety, Hollywood Reporter)