Hội đồng Vàng Thế giới đánh giá triển vọng thị trường vàng cuối năm

Đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng từ nay đến cuối năm, Hội đồng Vàng Thế giới khuyến nghị gì với nhà đầu tư vàng hiện nay?
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa trả lời câu hỏi của báo chí về diễn biến mới nhất của thị trường vàng và triển vọng thị trường vàng đến cuối năm.
Ông Shaokai Fan cho rằng việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận bước đầu tạm hoãn áp thuế ảnh hưởng ngay lập tức đến giá vàng. Điều này cũng phù hợp với kỳ vọng vì giá vàng biến động trong thời gian qua chủ yếu là do căng thẳng thương mại.
Đây là bước đi tích cực dù thỏa thuận chưa làm mất đi rào cản vốn đã dựng lên kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ. Vẫn còn quá sớm để nói về tác động, mà cần quan sát sau 90 ngày thì điều gì xảy ra. Ông cảm nhận Mỹ hiện đang áp dụng cách tiếp cận mang tính ôn hòa hơn về thương mại.
Hiện nay, căng thẳng thương mại là nhân tố mang tính chi phối và ảnh hưởng đến vàng nhiều hơn các yếu tố khác. Tất cả mọi thứ sẽ phụ thuộc vào quan điểm, lập trường dài hạn của Mỹ và cách thức thị trường nhìn nhận, đánh giá và diễn giải mỗi quan hệ giữa các quốc gia, đồng đô la và trái phiếu Mỹ.
Về triển vọng thị trường vàng đến cuối năm, ông cho biết các ngân hàng trung ương đã chậm lại trong việc mua vàng vào quí 1 năm nay, nhưng xét tổng thể thì việc mua vào vẫn rất mạnh. Dư địa mua vào vẫn còn vì hiện vàng chỉ chiếm 5-10% trong dự trữ của các ngân hàng trung ương. WGC đang tiến hành cuộc khảo sát hàng năm với các ngân hàng trung ương, kết quả sẽ có vào cuối tháng 6 tới.
Dự báo dòng vốn đổ vào quỹ ETF vàng (quỹ hoán đổi danh mục) trong tháng 4 đã kết thúc giai đoạn vốn chảy mạnh. Tháng 5 có thể là xu hướng ngược lại, dòng vốn chảy ra.
Trong trung và dài hạn thì lạm phát của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến giá vàng. Nếu lạm phát tăng thì dễ dẫn đến nguy cơ suy thoái và phản ứng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
"Chính sách đàm phán thương mại là yếu tố chi phối những tháng còn lại năm nay, nhưng mọi thứ cần có thời gian để trả lời. Mọi thứ vẫn là không dễ đoán và nhà đầu tư có thể tìm đến vàng để bảo toàn giá trị trong bối cảnh còn nhiều bất ổn"- ông Shaokai Fan đánh giá.
Chênh lệch giá vàng sẽ vẫn tiếp tục
Quý 1-2025, nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu đã tăng mạnh hơn tại các thị trường ASEAN, nhưng Việt Nam là trường hợp ngoại lệ. Nhu cầu này giảm 15% so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung các sản phẩm từ vàng bị hạn chế, đẩy chênh lệch giá vàng lên mức cao, trên cơ sở quí 1-2024 có mức đầu tư vàng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Dù vậy, Việt Nam vẫn ghi nhận con số tăng 46% so với quí 4-2024. Lượng tiêu thụ vàng trang sức tăng 5% so với quí 1.
"Cần lưu ý là nhu cầu giảm là do yếu tố giá cả chứ không phải tâm lý người dùng. Trên thế giới cũng vậy. Mặt khác, đồng nội tệ suy yếu càng làm tăng giá vàng tính theo đô la, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người mua"- ông Shaokai Fan đánh giá.
Ngoài câu chuyện thương mại quốc tế, triển vọng vàng còn phụ thuộc vào các yếu tố trong nước, chẳng hạn như đồng nội tệ, hay các kênh đầu tư thay thế như bất động sản, chứng khoán.
"WGC không dự báo về giá vàng, nhưng có thể nói nhu cầu đầu tư vàng vẫn còn rất mạnh. Việt Nam có cách quản lý khác với các nước nên sẽ rất khó nói chính xác giá vàng diễn biến như thế nào, nhưng hiện tại chênh lệch giá vàng Việt Nam và quốc tế sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới"- ông nhận định.