Học tập suốt đời: Tiến sĩ Kiều Tuân - tuổi 90 và hành trình với giáo dục

Cách đây đâu đó bốn năm, có những gương mặt sĩ tử mang nỗi hồi hộp, băn khoăn khi đứng trước muôn vàn ngã rẽ ngành nghề. Bốn năm sau, vẫn những gương mặt ấy, vẫn nỗi hồi hộp ấy nhưng theo một nghĩa rất khác - chờ đợi cho khoảnh khắc được xướng tên với tư cách tân cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, dược sĩ, bác sĩ thú y.
Thưa ông, nhiều người vẫn thắc mắc tiến sĩ Kiều Tuân, nhà sáng lập hệ thống giáo dục và cũng là nhà đầu tư giáo dục có tên tuổi, đã có tuổi thơ như thế nào?
Tôi không phải là một người đặc biệt. Nhưng cuộc đời tôi có những câu chuyện đặc biệt của riêng mình.
Tên khai sinh của tôi là Kiều Lương. "Lương" lấy từ tên làng quê mẹ là Lương Phúc, do mẹ tôi về quê chơi lúc mang thai rồi trở dạ sinh tôi tại đó.
Trước khi những biến cố xảy đến, tôi được sống trong cảnh nhà cao cửa rộng, không cần phải lo toan nghĩ ngợi việc gì, được chăm lo học hành đàng hoàng. Nhà nội tôi vốn là nhà giàu ở làng, có rất nhiều nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, người làm… Nhưng tôi bắt đầu hoạt động kháng chiến ngay từ khi còn nhỏ. Khoảng năm 1948 - 1952, Pháp tạm chiếm Bắc Ninh, tôi đã tự tổ chức một đội thiếu niên tiền phong ở thôn. Vì liên quan đến một ông chánh tổng nổi tiếng tàn ác, tôi bị lính Pháp bắt, tra tấn suốt nửa năm trời. Sau đó, tôi trốn được, gia đình đưa ra khỏi làng cùng du kích đến Bắc Giang, rồi thì chuyển đến Thái Nguyên sinh sống, học tập.
Những sóng gió sau đó xảy đến cuộc đời tôi liên tiếp. Ông nội và chú ruột mất, bố mẹ bị tịch thu tài sản trong cải cách ruộng đất, gia đình ly tán, bà nội mất không có miếng đất chôn thân. Tôi sinh ra trong một gia đình sung túc, hạnh phúc đủ đầy đáng mơ ước và bỗng chốc mất đi tất cả. Trong cái cảnh "nghèo xơ xác" ấy, để sống được đã là một nỗ lực phi thường. Và khi ấy, học vấn là con đường duy nhất để tôi vươn lên thay đổi cuộc đời mình.
Hai anh em tôi rất tích cực với việc học và chịu khó học, luôn tâm niệm học là để lấy chữ, khai thông, tiến bộ. Nhưng anh tôi lớn hơn, đã tham gia cách mạng từ sớm, làm cán bộ địa phương, ra vùng tự do nên không có hồ sơ học hành. Đến khi đi học ở Thái Nguyên, anh tôi phải lấy hồ sơ, lý lịch của tôi để đi học. Đến khi tôi đến cùng anh, tôi buộc phải lấy họ tên, ngày tháng năm sinh khác thì mới đi học được. Sau nhiều ngày thận trọng suy nghĩ, tôi quyết định lấy tên "Tuân" trong tuân thủ, tuân lệnh với ý nghĩa "hành động theo chí hướng, suy nghĩ, tư duy của mình, muốn làm thì phải nghĩ, nghĩ xong thì phải làm, tuân theo ý chí của mình".
Tôi làm đủ thứ việc để được đi học, từ bốc vác ở bến xe, bến tàu đến phụ việc ở bệnh viện, đào giếng, đi buôn… Thậm chí, do hay kéo xe đi khắp thị xã nên những người quen hay gọi tôi là "cậu Tuân xe bò", sau này thành đạt về thăm lại chốn xưa họ vẫn gọi tôi như vậy.
Biệt danh "cậu Tuân xe bò" thật thú vị. Nhưng hoàn cảnh sóng gió đó có còn ảnh hưởng đến việc học của ông sau này không, thưa ông?
Có chứ! Hoàn cảnh "nghèo xơ xác" ấy theo tôi đến mãi sau này trong hành trình theo đuổi việc học.
Năm 1956, tôi chuẩn bị thi kỳ thi đại học đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội 1. Oái oăm thay, tôi bị đau bụng, bác sĩ chẩn đoán bị áp xe gan. Ung nhọt ngoài da đã đau đớn mà bị trong cơ thể lại càng đau đớn hơn. Vừa ôm bụng vừa thi, rồi tôi cũng đậu vào trường, hoàn thành 4 năm đại học với hoàn cảnh nghèo xơ xác. Hồi đi học, tôi luôn nhận được học bổng 22 đồng mỗi tháng, không nhiều nhưng có cái để tằn tiện. Đến hè không có học bổng nên tôi bắt buộc đi làm thuê nhiều hơn, dẫu vậy vẫn không đủ ăn, không đủ sống. Để có thể sống và tiếp tục học, tôi cùng anh trai phải ăn cơm thừa canh cặn của sinh viên sau khi họ ăn xong. Cũng vì cái nghèo, có lúc tôi còn bị nghi ngờ oan là ăn trộm.
Những lúc cùng cực như vậy, tôi lại nhớ chuyện đã qua, nhẩm lại bài thơ tôi đã làm trong ngày tết buồn bã khi đi học ở Thái Nguyên mà chua xót cho thân phận mình. Sau nhiều năm, tôi vẫn chưa thoát được cái "nghèo xơ xác" ấy.
Bị đặt vào cảnh ngộ như vậy, tôi luôn bị dằn vặt bởi những suy nghĩ phải quyết định như thế nào, tiếp tục chịu đựng gian khổ để học hay nghỉ học đi làm thuê kiếm sống. Mâu thuẫn giữa ý nghĩ buông xuôi và quyết tâm phải cố gắng bằng mọi giá cứ giằng xé tôi. Cuối cùng, tôi quyết định tiếp tục làm thuê, tiếp tục kiếm sống, tiếp tục theo học và phải hoàn thành việc học đại học. Cứ thế đến năm 1961, tôi tốt nghiệp đại học ngành cầu đường và may mắn được phân về Bộ Công nghiệp nặng, công tác tại Công trường gang thép Thái Nguyên.
Vậy sau đó, cơ duyên nào khiến ông khai sinh ra HUTECH, thưa ông?
Sau thời gian làm ở Công trường gang thép Thái Nguyên, tôi được giao nhiệm vụ làm hiệu trưởng của Trường Sư phạm kỹ thuật 5, sau nhiều khó khăn thì trường cũng bắt đầu phát triển ổn định. Năm 1995, Trường Sư phạm kỹ thuật 5 sáp nhập với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức (nay là Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) theo quyết định của Bộ GD-ĐT. Tôi được bố trí về khoa Cơ giới. Thời điểm này, thầy Trịnh Phôi, thầy Nguyễn Quốc Bảo có đề nghị tôi cùng tham gia Hội đồng sáng lập Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM.
Sau một số trắc trở, trường cũng ra đời trong năm 1995. Khi trường ra đời, ngoài trụ sở làm việc ở 357 Trần Hưng Đạo, phải thuê mướn cơ sở giảng dạy khắp thành phố, không có tấc đất cắm dùi. Thuở ban đầu ấy rất gian nan, 3 khóa đầu tiên không có tiền để trả lương từ hiệu trưởng đến nhân viên, phải huy động mọi người cho mượn nhưng không được bao nhiêu, chủ yếu là tôi phải tạm ứng tiền túi để trả lương giữ chân giảng viên. Nhưng nhờ trường hoạt động ổn định và hiệu quả, trường ngày càng phát triển, hướng tới những tương lai tốt hơn.
Khi tôi làm Trưởng ban Quản lý xây dựng và tài chính, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là phải có đất để xây trường. Mà để có đất xây trường thì phải có đủ pháp lý. Khu đất ở đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) là 4.500 m2 nhưng lúc ấy chỉ mua được 3.000 m2 do thiếu tiền. Lúc này thành phố cho vay tiền kích cầu, tức là xuất tiền cho vay không trả lãi nên tôi quyết định vay để mua thêm. Tòa nhà hình chữ U (khu A) được khởi công xây dựng vào ngày 1.8.2000.
Sau 5 năm thuê mướn cơ sở khắp nơi cho sinh viên học, chúng tôi đã đặt dấu mốc đáng nhớ cho hành trình "an cư lập nghiệp". Cứ thế, HUTECH phát triển và lớn dần, ngày càng khang trang, hiện đại, nhiều màu sắc hơn. Trường ngày càng có nhiều sinh viên theo học, được phụ huynh cả nước tin tưởng lựa chọn, được đối tác trong và ngoài nước tin cậy hợp tác.
Hơn nửa đời người khai sinh và gắn bó cùng HUTECH, điều ông tự hào nhất là gì?
HUTECH thật sự là cái duyên trong cuộc đời tôi. Và chính vì có duyên nên theo lẽ thường, duyên nợ là gắn với nhau. Cho nên tôi nghĩ đã có duyên thì phải đóng góp xây dựng trường để xứng đáng với cái duyên đó.
Điều tôi tự hào nhất là đã xây dựng trường như một đại gia đình. Mỗi đơn vị là một gia đình nhỏ hơn, mỗi thành viên dù đang làm việc ở bất cứ đơn vị nào, ở vị trí nào cũng chính là một thành viên đang góp phần dựng xây cho sự bền vững của đại gia đình ấy. Lãnh đạo, thầy cô yêu thương sinh viên, hiểu biết sinh viên, chăm sóc, hỗ trợ sinh viên như những người thân thích của mình, luôn mong các em mỗi ngày học đều tiến bộ lên, đều tốt hơn, toàn diện hơn.
Thành công của sinh viên chính là thành công của HUTECH. Trường không có sinh viên thì không có HUTECH. Mà không có sinh viên thành công, tốt đẹp thì không có HUTECH thành công. Đó là chân lý, là nếp sống văn hóa mà chúng tôi đã xây dựng.
Kỷ niệm 30 năm thành lập HUTECH, tôi không còn trực tiếp điều hành nhiều công tác của trường. Nhưng với nếp sống này của trường, giao cho thế hệ trẻ tiếp nối, tôi vẫn rất yên tâm. Cố gắng đồng tâm hiệp lực xây dựng trường, chắc chắn sẽ thành công và tốt đẹp.
Dành trọn đời đồng hành với giáo dục, vậy ông quan niệm thế nào về việc học?
Với tôi, sự gắn kết duy nhất khiến mọi thứ trở nên liền mạch, chính là chuyện học hành. Tôi luôn có ý thức về tầm quan trọng của việc học, dù có những lúc tôi ngồi lặng suốt mấy giờ đồng hồ chỉ để suy nghĩ đến chuyện nên học tiếp hay bỏ ngang, gánh nặng mưu sinh làm oằn ước mơ được học, khiến tôi nhiều khi muốn quỵ ngã, nhưng tôi đã luôn vực dậy chính mình, trước sau xác định rõ việc học là việc tôi nhất định phải làm. Đó cũng là điều đáng tự hào nhất trong cuộc đời tôi. Nếu tôi không quyết tâm bằng mọi giá phải theo đuổi con đường học tập, chắc chắn tôi sẽ không có những kết quả sau đó, sẽ không có tôi bây giờ.
Tôi vốn rất tâm đắc, từng ghi vào cuốn sổ tay cá nhân câu nói của ngài Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Singapore: "Giáo dục chỉ được phép thừa, không được phép thiếu". Tư tưởng ấy đúng với mọi nền giáo dục, và với cả từng con người. Vậy nên, lời dặn dò chân thành nhất của tôi cho thế hệ sau, từ những suy ngẫm đời mình, là hãy học - cố gắng sự nghiệp học hành trong mọi hoàn cảnh, và học hết tất cả những gì có thể để mở rộng tri thức và tâm hồn, tăng thêm cơ hội thành công. Hãy tranh thủ học mọi nơi mọi lúc, tự học suốt đời.
Cuộc đời trêu ngươi, con người càng phải bản lĩnh. Học hành gian khổ, con người càng giỏi giang. Song hành với cuộc sống, học là cả một hành trình dài, "chỉ được phép thừa" và đừng bao giờ dừng lại. Hạnh phúc lớn nhất của một người là xác định rõ ước mơ khát vọng của đời mình, để chiến đấu và chiến thắng. Càng cơ cực càng phải dám có ước mơ.