Học sinh tiểu học biết dùng công nghệ để học tập: Mừng hay lo?

(Dân trí) - Hình ảnh bạn nhỏ tiểu học sử dụng linh hoạt một số ứng dụng để học tập không phải quá xa lạ. Nhưng cùng với đó là sự lạm dụng, sa đà công nghệ ở các em mà phụ huynh cũng bối rối tìm cách giải quyết.
"Gen Alpha" - Thế hệ tận hưởng thành quả công nghệ
Thế hệ Alpha, là những em nhỏ được sinh từ năm 2010 đến 2024. Với sự bùng nổ của công nghệ và truyền thông hiện nay, thế hệ Alpha được coi là những "digital natives", tức là những người có khả năng sử dụng công nghệ một cách tự nhiên và bẩm sinh.
Việc một bé gái đang ở cấp tiểu học biết sử dụng ứng dụng Canva làm bài thuyết trình, làm bài tập nhóm trực tuyến với bạn bè hay tìm kiếm thông tin qua Chat GPT là điều thường thấy về thế hệ Alpha hiện nay.
Chị Thúy Hồng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Bé nhà mình rất thích xem điện thoại, đặc biệt là các video trên mạng nên mình hay tìm các kênh vừa học vừa chơi cho con xem.
Lâu dần con hình thành thói quen tự tìm để xem vì nội dung trên mạng phong phú, có hình ảnh minh họa nữa nên con chăm chú lắm.
Những bài tập con không biết làm là con lên mạng xem cách giải, nhiều lúc mình thấy cách giải của các cô giáo trên mạng cũng rất dễ hiểu hơn là để phụ huynh dạy, những video cũng rất sinh động".
Thế hệ Alpha không chỉ tiếp xúc với công nghệ từ khi còn nhỏ mà còn biết cách sử dụng chúng một cách hiệu quả. Trong những năm trở lại đây có không ít trẻ em Gen Alpha có những thành tích công nghệ đáng nể.
Dù chỉ mới học lớp 6 nhưng em Cáp Hoàng Dũng (trường Trung học Thực hành Sài Gòn) không những được trao tặng danh hiệu là công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2024 nhỏ tuổi nhất, em còn đạt huy chương vàng giải thưởng thiết kế chế tạo ứng dụng TPHCM năm 2023 và đạt giải nhì bảng sản phẩm sáng tạo Hội thi Tin học trẻ TPHCM năm 2024.
Em đã sáng tạo ra các phần mềm như "Tập tính nhẩm", "Hành trình văn hóa di sản TPHCM", "Điểm danh thông minh và đánh giá cảm xúc học sinh"...
Những thành tích của em Cáp Hoàng Dũng không chỉ cho thấy khả năng học tập và sáng tạo vượt trội của một học sinh còn nhỏ tuổi, mà còn phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của thế hệ Alpha trong việc ứng dụng công nghệ vào cuộc sống.
Cô Trần Thị Hạnh Hiệp, giảng viên AIE (AI for Education) Creative - đơn vị nghiên cứu ứng dụng AI cho giáo dục, chia sẻ: "Công nghệ bây giờ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), thật sự đã thay đổi cách mà học sinh học.
Các em không còn chỉ học qua sách vở nữa, mà có thể học bằng video, chatbot, game hoặc các ứng dụng học tập được thiết kế riêng theo trình độ và sở thích của từng bạn. Nhờ vậy, việc học trở nên linh hoạt hơn, chủ động hơn, và các em cũng thấy hứng thú hơn nhiều".
Mặt trái của công nghệ đối với việc học tập của trẻ em
Sự phát triển của công nghệ không chỉ làm thay đổi cách trẻ em học mà còn ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục, tạo ra một môi trường học tập linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả hơn cho các thế hệ sau này.
Nhưng bên cạnh đó, công nghệ lại có thể khiến trẻ trở nên phụ thuộc, giảm khả năng tư duy độc lập và giao tiếp xã hội. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ em thiếu hụt các kỹ năng sống cần thiết trong xã hội.
Một phụ huynh đã chia sẻ lo lắng của mình trên nền tảng mạng xã hội rằng con gái anh 11 tuổi lớp 6 đang học bằng cách mở Chat GPT gõ "3 phút bằng bao nhiêu giây", sau đó chép kết quả vào vở, bài nào cũng làm vậy, kể cả "1 ngày cộng 7 giờ bằng bao nhiêu giờ".
Đến bài tập đọc, Chat GPT viết cho đoạn phân tích 150 từ. Con gái đọc xong bảo: "Dài quá", rồi bắt rút gọn cứ rút, rút nữa, rút mãi… cho đến khi còn đúng một câu 7 chữ. Và tất cả điều đó được thực hiện trong lúc con đang coi phim. Anh bày tỏ mình đã rất sốc và tuyệt vọng. Không phải vì Chat GPT giỏi mà vì con gái không còn muốn nghĩ, không đọc, không hiểu, không học, chỉ chép thôi.
Về lâu dài trẻ em lạm dụng, chìm đắm quá trong công nghệ có thể khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ với bạn bè và gia đình, cũng như khó thích nghi với những tình huống không có sự hỗ trợ của công nghệ. Hơn nữa, việc tiếp xúc quá nhiều với công nghệ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, thể chất của trẻ và sinh ra thói quen lười biếng.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh - giảng viên môn Công nghệ - chia sẻ: "Việc sử dụng công nghệ trong học tập là cần thiết, nhưng chúng ta cần nhận biết ranh giới giữa việc sử dụng hiệu quả và sự phụ thuộc.
Hãy đặt ra các quy tắc rõ ràng về thời gian và mục đích sử dụng công nghệ. Ví dụ như khi nào được sử dụng, sử dụng trong bao lâu và cho mục đích gì học tập hay giải trí lành mạnh. Đồng thời chính phụ huynh cũng cần hạn chế sử dụng thiết bị điện tử quá mức, đặc biệt là trong thời gian dành cho gia đình.
Bên cạnh đó phụ huynh nên quan tâm trò chuyện với các em nhiều hơn có thể thảo luận về cả lợi ích lẫn rủi ro của công nghệ, mà không làm các em cảm thấy sợ hãi".
"Phụ huynh có thể khuyến khích các con hoạt động ngoại khóa, thể thao, đọc sách truyền thống, tạo điều kiện cho con cái tham gia các hoạt động thực tế và tạo mối quan hệ gắn bó với con cái để giúp các em phát triển toàn diện và có những sở thích lành mạnh và cảm thấy được quan tâm, không tìm đến thế giới ảo để lấp đầy khoảng trống", cô Ngọc Ánh cho biết thêm.
Cô Ánh cũng khuyến khích các giáo viên cùng phối hợp với phụ huynh để theo dõi và hỗ trợ học sinh trong việc sử dụng công nghệ là rất quan trọng, nhằm đảm bảo có những biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả.
"Để hỗ trợ học sinh sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, giáo viên cũng cần hướng dẫn các em tìm kiếm thông tin đáng tin cậy và sử dụng các ứng dụng học tập có mục đích, đồng thời tránh xa những nội dung gây xao nhãng.
Việc tích hợp công nghệ vào bài giảng tốt nhưng cần thực hiện một cách sáng tạo và phù hợp, sử dụng các phần mềm tương tác để làm cho bài học sinh động, nhưng vẫn giữ gìn các phương pháp dạy học truyền thống.
Giáo viên cũng nên giáo dục học sinh về tác động tiêu cực của việc sử dụng công nghệ quá mức, khuyến khích các hoạt động học tập nhóm và thảo luận trực tiếp để phát triển kỹ năng giao tiếp".
"Việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ học tập không phải là xấu nhưng cần được thực hiện một cách có kiểm soát, có mục đích rõ ràng và kết hợp với các phương pháp học tập truyền thống để đảm bảo trẻ em phát triển toàn diện và không bị ràng buộc vào công nghệ", cô Ánh khẳng định.
Mai Thắm