Nhảy đến nội dung

Hoàn thuế chậm, doanh nghiệp ngưng hoạt động vì cạn vốn

Bên cạnh những hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) được giải quyết vẫn có nhiều trường hợp kéo dài khiến doanh nghiệp khốn khổ và bức xúc.

 Số thuế tồn đọng lớn hơn vốn chủ sở hữu 

Ông Trương Văn Bắc - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Cao su Việt Nam gửi đơn kêu cứu lên Báo Thanh Niên về hồ sơ hoàn thuế 44 tỉ đồng nhiều tháng trôi qua vẫn chưa được giải quyết. 

Ông Bắc kể, sau nhiều lần đề nghị trì hoãn để có thời gian tra soát hồ sơ trước khi nộp chính thức, đến ngày 28.10.2024, cơ quan thuế Q.Phú Nhuận đã chấp thuận cho công ty nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT của kỳ hoàn thuế tháng 12.2021 đến tháng 6.2024 theo giấy đề nghị hoàn trả ngân sách số 14/2024 và đã được Chi cục Thuế Q.Phú Nhuận tiếp nhận. 

Đến cuối tháng 11.2024, cơ quan thuế ban hành quyết định kiểm tra và cuối tháng 12 là biên bản kiểm tra số thuế 44 tỉ đồng. Nhưng đến cuối tháng 1.2025, công ty vẫn không nhận được phản hồi nên liên lạc cán bộ thuế phụ trách hồ sơ thì nhận được thông báo hồ sơ đã trình lên Cục Thuế TP.HCM (nay là Chi cục Thuế khu vực 2). Công ty được yêu cầu giải trình bổ sung một số hồ sơ về giao dịch với các doanh nghiệp có cảnh báo trong danh sách rủi ro và chỉ xem xét số thuế có thể được hoàn theo tỷ lệ đã có hồi báo xác minh từ các cơ quan thuế quản lý đơn vị cung ứng hàng hóa đầu vào cho công ty.

Công ty liên tục phải đốc thúc việc xác minh hóa đơn từ đơn vị bán hàng. Nhưng rất nhiều thời điểm, hóa đơn xác minh xong mà cơ quan thuế Q.Phú Nhuận vẫn không nhận được phản hồi. 

"Việc xác minh hóa đơn từ khâu F1, F2… quả thực gian nan và nhiêu khê, như quá trình "trốn" và "tìm", đây là trao đổi công việc của các cơ quan thuế với nhau, bên cơ quan gửi phiếu yêu cầu xác minh xác nhận "đã gửi", bên trả lời thì không biết nhận được hay chưa, DN không biết được quy trình thế nào. Thử hỏi, nếu giao dịch mua bán với các DN khắp cả nước, công ty phải cầm hồ sơ đến từng chi cục thuế một để tra soát thì không cách nào xử lý được. Trong khi cơ quan thuế Q.Phú Nhuận trả lời là số thuế hoàn căn cứ theo tỷ lệ hồi báo ấn chỉ được xác minh. Với cách làm như này sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình hoàn thuế, làm chậm và giảm số thuế được hoàn cho DN", ông Trương Văn Bắc cho hay.

Sau thời gian chờ đợi, đến nay, công ty được thông báo là hồ sơ hoàn thuế đã được Cục Thuế TP.HCM (tên gọi cũ) chuyển trả lại Chi cục Thuế Q.Phú Nhuận (nay là Đội thuế Q.Phú Nhuận). Công ty nhận được phản hồi là "do thay đổi cán bộ pháp chế mới nên hồ sơ phải rà soát lại từ đầu, không biết khi nào sẽ có kết quả". 

Ông Trương Văn Bắc bức xúc: "Với DN nhỏ, số thuế tồn đọng từ tháng 11.2021 đến nay không được hoàn vượt quá số vốn chủ sở hữu, lạm vào tiền vay nợ ngân hàng, DN đã buộc tạm ngừng kinh doanh. Trong lúc kinh tế khó khăn, dòng tiền của DN chỉ trông chờ vào tiền hoàn thuế GTGT. Việc đùn đẩy, luân chuyển cán bộ và không giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT của cơ quan thuế cho kỳ hoàn năm từ tháng 11.2021 đến tháng 6. 2024 kéo dài đến nay làm chúng tôi kiệt quệ về tài chính, không còn khả năng duy trì hoạt động kinh doanh, mất khách hàng, mất thị trường sau bao nhiêu năm gầy dựng. Công ty đứng trước tình trạng đóng cửa, phá sản vì không còn nguồn tài chính để hoạt động".

Đại diện Công ty TNHH Throne Biofuel (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng rơi vào trường hợp tương tự, hồ sơ hoàn thuế đang bị trì hoãn không rõ lý do, kéo dài vượt quá thời hạn quy định của luật Quản lý thuế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Ngày 17.10.2024, công ty nộp hồ sơ hoàn thuế với số tiền hơn 67,496 tỉ đồng và đến ngày 17.11.2024, cơ quan thuế đã lập biên bản hoàn thành kiểm tra. Tuy nhiên, đến tháng 4.2025, công ty vẫn chưa nhận được bất kỳ quyết định hoàn thuế hay phản hồi chính thức nào từ cơ quan chức năng. Theo xác nhận từ phía Đội thuế Bình Thạnh, hồ sơ bị hệ thống phần mềm của cơ quan thuế định tuyến sai, không chuyển về đúng bộ phận xử lý có thẩm quyền, dẫn đến tình trạng kéo dài không có hướng giải quyết. "Doanh nghiệp chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến Chi cục Thuế khu vực 2 nhưng vẫn chưa được giải quyết và cũng không nhận được thông tin cụ thể về thời gian xử lý", đại diện công ty cho hay.

Hồ sơ gian lận chuyển cơ quan chức năng

Theo Cục Thuế (Bộ Tài chính), công tác hoàn thuế GTGT tính hết ngày 26.4, toàn quốc đã ban hành 4.987 quyết định hoàn thuế, với số tiền hoàn là 38.386 tỉ đồng, bằng 99% so cùng kỳ năm 2024 (5.507 quyết định với số tiền hoàn 38.965 tỉ đồng) và bằng 22% so với dự toán hoàn (176.000 tỉ đồng). Còn đối với công tác hoàn thuế thu nhập cá nhân, hệ thống ngành thuế đã tiếp nhận xử lý 496.448 hồ sơ, chiếm 98,87% trên tổng số 501.756 tờ khai quyết toán có đề nghị hoàn.

Vào giữa tháng 4, Cục Thuế ban hành công văn 563 yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT. Cục Thuế đưa ra tỷ lệ hồ sơ hoàn thuế điện tử đạt 99%, trong đó 86% số hồ sơ hoàn thuế GTGT thuộc diện "hoàn thuế trước, kiểm tra sau" được cơ quan thuế giải quyết trong vòng 6 ngày làm việc khi nhận đầy đủ hồ sơ. 

Để tạo thuận lợi cho DN và nhà đầu tư, Cục Thuế yêu cầu Chi cục trưởng các Chi cục Thuế khu vực, trưởng các ban, đơn vị thuộc Cục Thuế nghiêm túc triển khai tổ chức rà soát các DN có hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và các dự án đầu tư trên địa bàn. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ DN, nhà đầu tư ngay từ khâu kê khai thuế, lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế đảm bảo đầy đủ, đúng quy định, tránh để người nộp thuế gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các bộ phận chức năng rà soát, tổng hợp toàn bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT còn tồn đọng. Phân loại hồ sơ theo nhóm đối tượng, mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, nông sản, thủy sản, sắt thép, linh kiện điện tử... Xác định rõ khó khăn, vướng mắc và thời hạn giải quyết từng hồ sơ. Bố trí đầy đủ nhân lực, phân công nhiệm vụ cụ thể; tổ chức giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện hàng tuần.

"Phấn đấu đến hết tháng 5.2025 không còn hồ sơ tồn quá hạn, ngoại trừ hồ sơ có rủi ro cao, có nghi vấn gian lận thuế đang xác minh, kiểm tra. Đối với người nộp thuế có lịch sử tuân thủ tốt, hồ sơ đủ điều kiện, không có dấu hiệu rủi ro, thực hiện hoàn thuế đúng thời hạn quy định", công văn đề cập. Ngoài ra, đối với hồ sơ có rủi ro cao, có dấu hiệu gian lận, mua bán hóa đơn, trục lợi tiền hoàn thuế phải phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh thì các Chi cục Thuế ban hành văn bản thông báo cho người nộp thuế biết và phối hợp xử lý sau khi có kết luận của các cơ quan chức năng.

Chủ trương thì như vậy nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn đang khốn khổ vì hoàn thuế chậm, số tiền không được hoàn rất lớn và quan trọng, họ không biết phải kêu ai.