Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị bắt, bài học về 'liêm sỉ' cho người nổi tiếng

Vụ việc hoa hậu Thùy Tiên bị bắt trong vụ án kẹo rau củ Kera đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo sản phẩm.
Mở rộng điều tra vụ án kẹo rau củ Kera, Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên về tội lừa dối khách hàng.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự đáng tiếc khi một người có ảnh hưởng công chúng lại vướng vào vòng lao lý liên quan đến hàng giả.
Vụ việc cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến ứng xử của người nổi tiếng, đặc biệt là việc tham gia quảng cáo sản phẩm đến công chúng.
"Người nổi tiếng có uy tín, càng phải thể hiện liêm sỉ nhiều hơn"
Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM), thời gian qua, do các quy định pháp luật chưa rõ ràng, chưa đầy đủ dẫn đến không ít người nổi tiếng lợi dụng danh tiếng của mình để quảng cáo tràn lan, thậm chí sai sự thật.
Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị khai thác triệt để danh tiếng của người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm. Trong khi đó, người tiêu dùng thường có tâm lý đám đông, thấy người nổi tiếng quảng cáo là tin tưởng, sẵn sàng mua sắm.
Ông Đức cũng nhận định, nhiều hợp đồng quảng cáo giữa người nổi tiếng và doanh nghiệp không có những điều khoản ràng buộc chặt chẽ, đôi khi người nổi tiếng không hiểu biết hết, chỉ nói theo cảm xúc, dẫn đến quảng cáo lố, sai sự thật.
Thực tế trên đòi hỏi phải có hành lang pháp lý và sự hiểu biết pháp luật. Người nổi tiếng hay bất cứ người dân nào khi ký hợp đồng quảng cáo phải có trách nhiệm kiểm tra sản phẩm, yêu cầu cung cấp giấy tờ liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm.
Cạnh đó, hợp đồng phải có những điều khoản ràng buộc trách nhiệm giữa bên quảng cáo và người quảng cáo. "Khi các quy định chặt chẽ, rõ ràng sẽ không vi phạm được", ông Đức nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại còn nhấn mạnh đến yếu tố đạo đức, uy tín và trách nhiệm của người nổi tiếng trước cộng đồng.
"Người nổi tiếng đã có uy tín, danh tiếng đối với cộng đồng càng phải thể hiện liêm sỉ của mình nhiều hơn. Mỗi một bước đi, hành động đều khác với người không nổi tiếng và đều được công luận, người dân chú ý, theo dõi, bình phẩm", ông nói.
Doanh nghiệp phải có đạo đức thì mới phát triển bền vững
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhận định nhiều cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng giả biết rõ tác hại của những sản phẩm này, song vì lợi nhuận cao mà vẫn bất chấp làm.
Điều này cho thấy, vấn đề không chỉ nằm ở hiểu biết pháp luật hoặc pháp luật đã đủ nghiêm chưa, mà còn đến từ đạo đức kinh doanh.
Nữ đại biểu nói, Nhà nước đã và đang dành sự quan tâm, nguồn lực để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Sự quan tâm này là rất cần thiết và đúng đắn, nhưng nếu chỉ vậy là chưa đủ, mà cần chú trọng đến cả đạo đức và trách nhiệm cộng đồng của doanh nhân, doanh nghiệp.
Chỉ khi xây dựng được nền tảng đạo đức, văn hóa tốt, doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững. "Nếu không quan tâm đúng mức, sẽ còn những người vì lợi nhuận mà bỏ qua tất cả quy tắc, trách nhiệm của mình để mà chạy theo đồng tiền", bà Nga nhấn mạnh.
Cạnh đó, vị đại biểu đoàn Hải Dương lưu ý đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Như phát biểu của Thủ tướng vừa qua, khi có đến cả trăm tấn thực phẩm chức năng giả bị phát hiện thì chỉ có 2 khả năng xảy ra, một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc.
Bà Nga cho rằng, sản xuất, buôn bán hàng giả không phải là hành động của cá nhân đơn lẻ. Trong khi đó, chúng ta có cả một đội ngũ thực thi công vụ, với rất nhiều quy định liên quan đến việc kiểm tra, giám sát, phòng ngừa…, thế nhưng vẫn để xảy ra những vụ rất lớn.
"Những vụ việc hàng giả bị bắt giữ rất lớn vừa qua, chắc chắn là có lỗi từ phía những người thực thi công vụ và lỗi từ những người quản lý người thực thi công vụ đó", nữ đại biểu nêu, và cho rằng, cần các giải pháp để khắc phục vấn đề này.