Hòa đàm Nga - Ukraine: Khó kỳ vọng đột phá

Hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cử phái đoàn cấp cao đến Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên với Ukraine sau 3 năm.
Ông Putin không đến
Việc Tổng thống Putin không trực tiếp có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15.5 đã đặt ra những dấu hỏi về triển vọng của cuộc đàm phán. Trước đó, tờ The Washington Post dẫn lời các nhà ngoại giao tiết lộ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tính hủy tham gia cuộc đàm phán vì Nga chậm thông báo danh sách thành viên phái đoàn. Ông Zelensky chỉ đổi ý định khi được các quan chức Mỹ và châu Âu thuyết phục.
Hôm 10.5, các nhà lãnh đạo châu Âu tập hợp tại Kyiv để gây sức ép, buộc Nga chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn 30 ngày hoặc đối diện nguy cơ bị cấm vận thêm. Sau đó một ngày, Tổng thống Putin đề xuất khởi động đàm phán với Ukraine tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) mà không đi kèm điều kiện tiên quyết nào. Ngày 12.5, Tổng thống Zelensky thể hiện quyết tâm đàm phán khi nói sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ để chờ gặp Tổng thống Putin, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng úp mở khả năng tham gia.
Tuy nhiên, đến tối 14.5, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Putin sẽ không tới Thổ Nhĩ Kỳ. Thay vào đó, dẫn đầu phái đoàn Nga vẫn là trợ lý Điện Kremlin Vladimir Medinsky, quan chức có quan điểm cứng rắn từng làm trưởng đoàn đàm phán cách đây 3 năm. Bên cạnh đó, phái đoàn Nga còn gồm Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội Igor Kostyukov cùng một nhóm chuyên gia, theo Đài RT.
Phía Ukraine và đồng minh châu Âu phản ứng bằng sự thất vọng và cho rằng Nga thiếu nghiêm túc, theo AP. Phát biểu sau khi đến sân bay thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ chiều qua, ông Zelensky ám chỉ rằng phái đoàn Nga được cử đến Istanbul không phải là những người có thẩm quyền ra quyết định, mà chỉ có mặt để tạo hình thức bên ngoài. Đến tối qua, sau khi kết thúc cuộc họp gần kéo dài gần 3 giờ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Zelensky cử phái đoàn do Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov đến Istanbul để đàm phán với phía Nga. Ông Zelensky nói có thể không cần gặp ông Putin nếu phái đoàn hai nước đạt thỏa thuận ngay tại Istanbul, theo The Guardian.
Nước cờ của Nga gợi ý Moscow có ý định khôi phục đàm phán dựa trên bộ khung hồi năm 2022 như chính tuyên bố đã được Điện Kremlin đưa ra sau đề nghị đối thoại của ông Putin, theo tờ The Guardian. Nỗ lực đối thoại năm 2022 nhanh chóng sụp đổ khi Nga cáo buộc Ukraine và phương Tây muốn tiếp tục chiến sự, trong khi Kyiv cho rằng Moscow đưa ra những yêu cầu khó để chấp nhận.
Khó đạt tiến triển
Một số nhà quan sát cho rằng việc hai bên chấp nhận đối thoại là một bước quan trọng cho triển vọng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tại hội nghị các nhà ngoại giao NATO ở TP.Antalya hôm qua bày tỏ hy vọng cuộc đối thoại tại Istanbul "có thể mở ra chương mới" cho tiến trình hòa bình sau 3 năm "vô cùng đau khổ". Ông Keir Giles, chuyên gia tư vấn cấp cao về Nga tại Viện Nghiên cứu quốc tế Chatham House (Anh), nhận định việc cuộc đàm phán diễn ra là "một bước tiến lớn", song không chắc về kết quả. "Sẽ khó để dự đoán liệu sẽ có cuộc thảo luận ý nghĩa hay không, bởi những kết quả có thể chấp nhận được cho cả hai bên vẫn còn rất xa", ông Giles nói với Đài Al-Jazeera.
Cũng tại Antalya hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho hay Washington nóng lòng chờ tiến triển trong hòa đàm Nga - Ukraine, nhưng thừa nhận điều này "rất khó". Bên cạnh đó, ông Rubio cho biết Tổng thống Trump sẵn sàng cân nhắc bất kỳ cơ chế nào giúp mang lại hòa bình công bằng, khẳng định cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ không được giải quyết bằng quân sự.