Hòa đàm Istanbul và toan tính của ông Putin

Cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên sau hơn ba năm chiến sự giữa Nga và Ukraine hôm 16-5 đã kết thúc ảm đạm như bầu trời xám xịt của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm đó.
Tia hy vọng về hòa bình sớm được nhóm lên khi hai bên đồng ý gặp mặt đã nhanh chóng nhường chỗ cho những toan tính chính trị. Cuộc hòa đàm đã kết thúc chỉ sau chưa đầy hai giờ thảo luận.
"Mồi nhử" của ông Putin
Có lẽ niềm an ủi duy nhất cho những người yêu hòa bình là hai bên đều đồng ý về một cuộc trao đổi tù binh lớn. Triển vọng hòa bình vẫn còn ở đường chân trời khi hai bên rõ ràng vẫn còn cách xa nhau về các điều kiện chính để chấm dứt giao tranh.
Điểm khác biệt đầu tiên là trước khi ngồi vào bàn đàm phán, cả hai bên đã khác nhau căn bản về nội dung đàm phán. Ukraine ủng hộ lệnh ngừng bắn 30 ngày vô điều kiện ngay lập tức nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn trước tiên phải bắt đầu các cuộc đàm phán để thảo luận về các chi tiết của lệnh ngừng bắn.
Hơn ba năm sau cuộc xung đột tàn khốc, Nga hiện đang có lợi thế trên chiến trường và muốn biến ưu thế này thành các điều khoản có lợi trên bàn đàm phán. Nga không dại gì ngừng bắn khi họ cảm thấy đang tiến triển trên chiến trường.
Điều đó chẳng khác nào cho Kiev có thể sử dụng thời gian tạm dừng chiến tranh để huy động thêm quân và mua thêm vũ khí của phương Tây nên Matxcơva không đời nào chấp nhận lệnh ngừng bắn nếu Kiev không nhượng bộ lớn.
Điểm khúc mắc thứ hai chính là phía Nga không công nhận tính chính danh của Tổng thống Ukraine Zelensky.
Matxcơva cho rằng ông Zelensky đã kết thúc nhiệm kỳ tổng thống Ukraine của mình vào tháng 5-2024 và quyền lực hợp pháp hiện nay thuộc về Quốc hội Ukraine.
Chính vì vậy Matxcơva đang chơi "lá bài" ai ở phía Nga sẽ tham gia đàm phán với phía Ukraine. Đây là một sự suy tính có chủ đích. Thành phần tham dự sẽ tiết lộ Matxcơva mong muốn đàm phán diễn ra tới mức nào.
Vào cuối tuần trước, ông Putin đã gợi ý rằng Nga và Ukraine nên ngồi lại để đàm phán trực tiếp. Tổng thống Zelensky đã nhanh chóng trả lời rằng ông sẽ đích thân đến Istanbul để gặp ông Putin lần đầu tiên kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào đầu năm 2022.
Tuy nhiên đây chỉ là "mồi nhử" của ông Putin và ông đã cử một phái đoàn cấp thấp đến Istanbul bất chấp sức ép của Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi nhà lãnh đạo Nga hợp tác với đối thủ của mình.
Matxcơva đã đợi đến cuối ngày 14-5 để công bố những người sẽ tham dự các cuộc đàm phán tại Istanbul với Ukraine. Ông Putin đã cử trợ lý của mình (cựu bộ trưởng văn hóa) Vladimir Medinsky, người mà ông Zelensky mỉa mai mô tả là "đạo cụ sân khấu".
Thay thế ông Zelensky, phái đoàn đàm phán Ukraine do Bộ trưởng Quốc phòng Kiev, Rustem Umerov, dẫn đầu. Cũng không có gì khó hiểu khi thành viên hai bên không có nhiều quyền quyết định trong cuộc hòa đàm để có thể đạt được kết quả mang tính chuyển biến.
Thông điệp gửi Mỹ
Tuy nhiên nhà đàm phán chính phía Nga, ông Medinsky, vẫn tỏ ra tự tin sau cuộc đàm phán ở Istanbul hôm 16-5. "Chúng tôi hài lòng với kết quả và sẵn sàng tiếp tục các cuộc tiếp xúc của mình".
Còn Điện Kremlin tuyên bố vào ngày 17-5 rằng Tổng thống Nga Putin có thể gặp Tổng thống Ukraine Zelensky nếu hai bên đạt được một số thỏa thuận nhất định.
Rõ ràng ông Putin chỉ đồng ý tham gia gặp mặt khi có chương trình nghị sự rõ ràng và các quyết định được thống nhất trước.
Đài CNN dẫn lời chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ phái đoàn Nga đã nói rõ vào hôm 16-5 rằng lệnh ngừng bắn vô điều kiện không nằm trong phạm vi thảo luận và nếu Ukraine muốn tiếng súng im bặt thì họ sẽ phải rút khỏi lãnh thổ ở bốn khu vực (Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson) mà Nga đã tuyên bố sáp nhập năm 2022. Matxcơva đang cố gắng thiết kế lại các điều khoản đàm phán có lợi cho mình thay vì nghe theo châu Âu và Mỹ về ngừng bắn vô điều kiện.
Hai đoàn đàm phán Nga và Ukraine bước ra khỏi cuộc đàm phán ngày 16-5 và tự an ủi rằng ít nhất họ cũng đồng ý trao đổi tù binh và sẽ có cuộc đàm phán khác trong tương lai.
Tuy nhiên có thể nói phía Mỹ đã thất vọng nặng nề khi ông Trump không thể áp đặt được sức ép của mình lên ông Putin.
Vào đầu tháng này, Phó tổng thống Mỹ J. D. Vance tuyên bố rằng phía Nga đã "đòi hỏi quá nhiều" trong các yêu cầu chấm dứt chiến tranh.
Vào ngày 8-5, ông Trump đã kêu gọi ngừng bắn vô điều kiện ở Ukraine trong 30 ngày, cảnh báo rằng mọi hành vi vi phạm sẽ phải chịu lệnh trừng phạt. Trước đó vào đầu và cuối tháng 3, ông Trump cũng đã đe dọa sẽ trừng phạt nếu không có lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, ông Putin đã phớt lờ mọi lời đe dọa bất chấp áp lực và ông Trump dường như không thể làm gì được.
Tổng thống Putin tiếp tục chứng tỏ rằng ông không phải là nhân vật dễ bị phương Tây bắt nạt. Dù sao ông Putin cũng thể hiện với ông Trump rằng Nga thực sự quan tâm đến hòa bình, đó là lý do tại sao ông cử một phái đoàn đến Istanbul và nối lại các cuộc đàm phán.
Một tính toán chiến thuật của Điện Kremlin là lôi kéo chính quyền ông Trump phải nhảy vào làm trung gian cho các hòa đàm tương lai với một thỏa thuận có lợi cho Nga.
Nếu không thể, ông Trump nhiều khả năng sẽ đổ lỗi cho Ukraine và các đồng minh châu Âu của nước này về việc hòa bình thiếu vắng ở Ukraine.