Hỗ trợ cán bộ từ Hải Dương cũ đến làm việc tại Trung tâm hành chính Thủy Nguyên

Cán bộ tỉnh Hải Dương (cũ) đến làm việc tại Trung tâm hành chính Thủy Nguyên (Hải Phòng) được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/tháng nếu đi làm đủ ngày.
Sáng 1.7, ngày đầu tiên chính quyền địa phương 2 cấp của TP.Hải Phòng chính thức đi vào hoạt động sau khi hợp nhất với tỉnh Hải Dương, nhiều cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hải Dương (cũ) đã chủ động thuê xe hợp đồng để di chuyển đến trụ sở làm việc mới tại Trung tâm hành chính Thủy Nguyên.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 32 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Hải Dương (cũ) đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ điều kiện đi lại và làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau khi sắp xếp bộ máy hành chính, phải di chuyển đến làm việc tại các cơ quan cấp tỉnh đóng tại trung tâm TP.Hải Phòng.
Chính sách áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức trong chỉ tiêu biên chế được giao, hưởng lương từ ngân sách nhà nước; người lao động hợp đồng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hội được Nhà nước giao nhiệm vụ trước ngày 15.1.2019 và các trường hợp được hưởng chế độ như công chức.
Nguyên tắc hỗ trợ quy định: người thuộc danh sách phải di chuyển đến làm việc ở cơ quan cấp tỉnh tại TP.Hải Phòng trong giai đoạn từ thời điểm sắp xếp đến hết ngày 31.12.2025, có thời gian làm việc thực tế từ đủ 14 ngày/tháng trở lên thì được tính hỗ trợ trong tháng đó. Mức hỗ trợ cụ thể là 3,6 triệu đồng/người/tháng.
Chính sách này nhằm bảo đảm điều kiện đi lại, làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau khi Hải Dương và Hải Phòng hợp nhất, chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1.7, giúp ổn định tổ chức và nhân sự trong giai đoạn chuyển tiếp.
Nhờ có chính sách hỗ trợ kịp thời nói trên, nhiều cán bộ tỉnh Hải Dương (cũ) đã linh hoạt trong việc di chuyển đến TP.Hải Phòng công tác để đảm bảo công việc ổn định, thông suốt ngay từ những ngày đầu tiên.
Đi xe chung từ Hải Dương sang Hải Phòng đúng giờ
Theo ghi nhận của Thanh Niên, từ 5 giờ 30 sáng, nhóm cán bộ thuộc Sở Xây dựng Hải Dương (cũ) đã có mặt tại trụ sở cơ quan cũ để chờ xe hợp đồng đến đón. Đúng 5 giờ 45, xe khởi hành, đảm bảo kịp giờ làm việc bắt đầu từ 7 giờ tại TP.Hải Phòng.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, cán bộ Sở Xây dựng Hải Dương (cũ), cho biết: "Quãng đường từ trụ sở cũ ở Hải Dương đến trung tâm hành chính mới ở Hải Phòng dài khoảng 50 km, di chuyển mất hơn 1 giờ".
Ngoài hình thức thuê xe chung, một số cán bộ lựa chọn đi xe cá nhân hoặc tổ chức theo nhóm nhỏ để tiện sắp xếp công việc gia đình. Tuy nhiên, thuê xe hợp đồng vẫn là phương án được nhiều người lựa chọn do tính kinh tế và thuận tiện.
Ông Nguyễn Trọng Thế, Phó trưởng phòng Kinh tế và Quản lý đầu tư xây dựng (Sở Xây dựng TP.Hải Phòng), đại diện đoàn cán bộ từ Hải Dương (cũ) chuyển sang công tác tại TP.Hải Phòng, cho biết việc thuê xe chỉ là giải pháp tạm thời trong lúc chờ thành phố bố trí xe buýt chuyên dụng và nhà ở công vụ cho cán bộ. Ngoài ra, nhiều cán bộ sẽ thuê nhà ở xã hội theo chính sách của thành phố để ổn định lâu dài.
Trước đó, ngày 30.6, tại TP.Hải Phòng đã diễn ra lễ công bố nghị quyết và quyết định của T.Ư về việc sáp nhập tỉnh Hải Dương và TP.Hải Phòng thành đơn vị hành chính mới - TP.Hải Phòng.
Theo quyết định của T.Ư, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng (cũ), được chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng (mới), nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương (cũ), giữ chức Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng (mới), nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Với việc sáp nhập 2 địa phương nói trên, có khoảng 1.400 người có nhu cầu di chuyển thường xuyên theo hình thức "sáng đi tối về" bằng phương tiện công cộng. Hơn 700 người khác dự kiến đi lại không thường xuyên (tối đa 3 lần mỗi tuần).