Hồ sơ sinh viên Việt Nam xin visa du học Úc thuộc nhóm rủi ro cao

Đến cuối tháng 3-2025, tỉ lệ cấp visa du học Úc trung bình chỉ đạt 77,8%, giảm đáng kể so với mức 85,1% cùng kỳ năm 2024.
Đây là số liệu được ghi nhận trong báo cáo mới nhất của Bộ Nội vụ Úc về visa du học trong 3 tháng đầu năm 2025.
Tỉ lệ visa sụt giảm mạnh
Cụ thể tỉ lệ chấp thuận đối với hồ sơ nộp từ nước ngoài là 81,4%, còn hồ sơ nộp trong nước chỉ đạt 71,6%, mức sụt giảm mạnh so với mức 96,8% năm trước.
Đáng chú ý, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đang chứng kiến mức độ siết chặt gắt gao trong quy trình xét duyệt hồ sơ du học từ Úc.
Đến tháng 5-2025, Việt Nam hiện đang bị xếp ở Assessment Level 3 - cấp độ rủi ro cao nhất. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên Việt Nam phải đáp ứng nhiều điều kiện nghiêm ngặt hơn khi xin visa du học (subclass 500), bao gồm chứng minh tài chính đầy đủ, trình độ tiếng Anh đạt chuẩn và kế hoạch học tập rõ ràng, hợp lý.
Theo các chuyên gia du học, việc Việt Nam rơi vào nhóm Level 3 phản ánh tỉ lệ hồ sơ bị từ chối cao, cũng như lo ngại từ phía Chính phủ Úc về tình trạng sinh viên chuyển đổi mục đích visa hoặc vi phạm điều kiện cư trú.
Đây là một trong những yếu tố góp phần khiến tỉ lệ đậu visa giảm mạnh thời gian qua và đặt thêm áp lực lên học sinh, phụ huynh cũng như các đơn vị tư vấn du học trong việc chuẩn bị hồ sơ thật kỹ lưỡng.
Trước đó theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Úc, trong năm học 2023-2024 tỉ lệ chấp thuận visa du học Úc của sinh viên Việt Nam đạt 78,7%, cũng là mức thấp nhất trong 18 năm qua.
Từ tháng 7-2023 đến tháng 4-2024, khoảng 12.600 sinh viên Việt Nam được cấp visa, chiếm 78,7% tổng số hồ sơ nộp.
Đây là lần thứ hai kể từ năm 2005, tỉ lệ cấp visa cho sinh viên Việt Nam giảm xuống dưới 80%, trong khi trước đó thường dao động từ 85% đến gần 100%.
Đặc biệt, sự sụt giảm chủ yếu tập trung ở các chương trình học nghề và khóa học tiếng Anh ngắn hạn, với tỉ lệ từ chối lần lượt là 46,8% và 48,4%.
Chính sách siết nhập cư của Úc
Úc đã và đang triển khai nhiều chính sách kiểm soát nhập cư nghiêm ngặt, được Chính phủ Úc triển khai từ cuối năm 2023.
Theo đó, các yêu cầu về trình độ tiếng Anh được nâng lên (IELTS tối thiểu 6.0 - 6.5), mức chứng minh tài chính tăng lên gần 500 triệu đồng/năm, thời gian làm thêm bị giới hạn còn 24 giờ/tuần, đồng thời bắt buộc phải vượt qua bài kiểm tra "Genuine Student" nhằm xác minh mục đích học tập thực sự.
Hơn nữa, theo The Guardian, từ ngày 1-7-2024 phí xin visa subclass 500 cũng tăng gấp đôi từ 710 AUD lên 1.600 AUD, và dự kiến có thể tăng tiếp lên 2.000 AUD trong những tháng tới của năm 2025.
Theo The Australian, từ tháng 1-2025 chính sách giới hạn tuyển sinh quốc tế chính thức có hiệu lực, đặt ra mức trần 270.000 sinh viên nước ngoài mỗi năm. Khi đạt ngưỡng, các cơ sở giáo dục sẽ phải tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ, làm kéo dài thời gian xét duyệt visa.
Cùng lúc, Chính phủ Úc tăng cường giám sát các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường nghề và trung tâm tiếng Anh nhằm loại bỏ các "trường ma" hoạt động trá hình.
Theo news.com.au, hơn 150 đơn vị như vậy đã bị đóng cửa chỉ trong chưa đầy một năm.
Không chỉ tác động về mặt thủ tục, bối cảnh chính trị hiện tại ở Úc cũng đang gây ảnh hưởng tâm lý lớn đến cộng đồng sinh viên quốc tế.
Trong cuộc bầu cử liên bang tháng 5-2025, cả hai đảng lớn - Lao động và Tự do - đều có quan điểm siết chặt nhập cư. Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton công khai liên hệ sinh viên quốc tế với cuộc khủng hoảng nhà ở, trong khi đảng cầm quyền đề xuất tiếp tục duy trì mức giới hạn tuyển sinh và tăng phí visa.
Theo nhận định từ The Economic Times, điều này đang làm dấy lên lo ngại về một "thái độ dè dặt" mới đối với sinh viên quốc tế, không còn cởi mở như trước.
Trước tình hình đó, các chuyên gia tư vấn khuyến nghị sinh viên Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng hơn bao giờ hết: từ chứng minh tài chính minh bạch, đạt yêu cầu tiếng Anh, đến việc chọn ngành học có nhu cầu cao trên thị trường lao động Úc và đăng ký tại các trường uy tín có tỉ lệ xét duyệt visa cao.