Hồ chứa nước ngọt 248 tỉ ở Cà Mau: 'Kịch bản' vận hành vẫn... chờ dự án

Được kỳ vọng cung cấp nước sinh hoạt cho 11.000 hộ dân và phòng chống cháy rừng U Minh Hạ, nhưng sau 1 năm đưa vào sử dụng, hồ chứa nước ngọt ở xã Khánh An, H.U Minh (Cà Mau) vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Hồ chứa nước ngọt "tắc nghẽn" vì... chưa có nhà máy xử lý nước
Dự án (DA) hồ chứa nước ngọt do Sở NN-PTNT Cà Mau (nay là Sở NN-MT Cà Mau) làm chủ đầu tư, khởi công vào tháng 1.2022. Đơn vị thi công là liên danh Công ty CP xây dựng thương mại Thới Bình và Công ty CP xây dựng thủy lợi Cà Mau. Ban quản lý dự án (BQLDA) ODA và NGO tỉnh Cà Mau là đơn vị vị chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình thi công và vận hành.
DA có 4 lần điều chỉnh vốn, từ 184 tỉ đồng lên 248 tỉ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB). Ngày 30.5.2024, công trình được nghiệm thu và đưa vào khai thác, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Văn bản do ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc NN-MT Cà Mau, ký trả lời PV Thanh Niên (được Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau chuyển cho PV ngày 25.4) nêu lý do hồ nước chưa được đưa vào khai thác vì DA đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước mặt tại hồ chứa nước ngọt và hệ thống đường ống dẫn nước về xã Khánh An (diện tích dự kiến mời gọi đầu tư khoảng 3 ha, gọi tắt là Nhà máy xử lý nước mặt - PV) hiện vẫn đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục mời gọi đầu tư. Bên cạnh đó, phương án dẫn nước từ hồ chứa nước ngọt về Vườn quốc gia U Minh Hạ nhằm phục vụ công tác PCCC rừng đang hoàn tất các thủ tục theo quy định.
DA nhà máy xử lý nước mặt đã được bổ sung vào danh mục mời gọi đầu tư năm 2025 của tỉnh Cà Mau. Ngày 28.3, Sở Tài chính đã ban hành Công văn số 1359/STC-KT về việc triển khai danh mục các khu đất sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các DA có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Sở NN-MT đang chủ động rà soát và phối hợp với các nhà đầu tư đã từng đăng ký trước đó để triển khai, hướng dẫn hoàn tất các thủ tục mời gọi đầu tư theo đúng quy định.
Từ đó, khiến một công trình lớn, dung tích trên 3,8 triệu m3, được kỳ vọng là cung cấp nước sinh hoạt cho cho 113.000 hộ dân H.U Minh và vùng lân cận cũng như PCCC rừng U Minh hạ hiện chỉ... chứa nước.
Đầu tư không đồng bộ nhưng... không lãng phí (?!)
Một năm sau nghiệm thu, nước ngọt trong hồ vẫn chưa thể sử dụng. Điều đáng nói, đây đều là những mục tiêu được nêu rất rõ trong thiết kế và kỳ vọng ban đầu của công trình.
"Đây là tình trạng đầu tư không đồng bộ, xây một cái hồ lớn, mà không tính đến hệ sinh thái vận hành kèm theo. Giống như có một nhà máy điện nhưng không có lưới điện để truyền tải. Chưa nói đến chuyện kêu gọi đầu tư vào xử lý nước sẽ kéo dài bao lâu, giữa bối cảnh nước sạch đang là nhu cầu cấp thiết," một người dân địa phương chia sẻ.
Trả lời PV Thanh Niên, văn bản của Sở NN-MT cũng thể hiện, các bước triển khai dự án, từ mời gọi nhà đầu tư đến xây dựng phương án PCCCR (phòng cháy, chữa cháy rừng) đều được thực hiện "đúng luật, đúng quy trình". "... việc đánh giá chậm trễ khai thác, gây lãng phí ngân sách nhà nước thời gian quan qua (tính từ ngày 30.5.2024, thời điểm hồ chứa nước ngọt được nghiệm thu hoàn thành đến nay) là chưa phù hợp theo quy định hiện hành", văn bản của Sở NN-MT tỉnh Cà Mau lý giải.
Hiện chủ đầu tư đã bàn giao hồ cho Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi quản lý. Trung tâm này phải cử 3 nhân sự vào ở để quản lý hồ. "Trong thời gian bảo hành, đơn vị thi công thuê người phát cỏ trong khu vực quanh hồ, mỗi lần thuê phát là 60 triệu. Hết tháng 5 này là hết bảo hành, trung tâm phải bỏ tiền ra thuê phát", một lãnh đạo Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi nói.
Chứa nước để PCCC rừng là đang phục vụ ?
Lý giải về việc công trình quy mô lớn, sử dụng nguồn vốn đầu tư công nhưng không phát huy hiệu quả trong thời điểm người dân cần thiết nhất (mùa khô - PV) gây bức xúc trong xã hội, Sở NN-MT Cà Mau khẳng định, việc cung cấp nước sạch và phòng chống cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thành lập Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN).
Hằng năm, Ban chỉ huy PCTT-TKCN xây dựng phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2025, Cà Mau xây dựng phương án phòng, chống hạn hán theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), đồng thời đưa ra 2 kịch bản ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn vùng ngọt.
Như vậy, công tác cung cấp nước sạch và PCCC rừng cho người dân khu vực đã được lập kịch bản, chuẩn bị phương án ứng phó cho mùa khô 2025 và những năm tiếp theo.
Cũng theo nội dung văn bản của Sở NN-MT Cà Mau, hiện tại, hồ nước ngọt đã hoàn thành, được xem là công trình mang ý nghĩa lớn đối với tỉnh Cà Mau trong việc dự trữ nước ngọt phục vụ cung cấp nước sạch và PCCC rừng. Do đó, việc thực hiện mời gọi đầu tư Nhà máy xử lý nước ngọt đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn cung cấp nước sạch cho người dân sinh hoạt là cần thiết và cực kỳ quan trọng, cần tuân thủ các quy định liên quan đến việc tổ chức, lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Ngoài ra, việc chứa được lượng nước ngọt nói trên giúp cho lực lượng chức năng có nguồn nước ngọt tại chỗ, ổn định phục vụ cho công tác PCCC rừng kịp thời, hiệu quả khi có sự cố cháy rừng xảy ra trên địa bàn, khu vực gần hồ.
"Do đó, hồ nước ngọt hiện tại đã, đang trong quá trình phục vụ cho người dân và công tác PCCCR trong khu vực xung quanh hồ và tiếp tục mở rộng công năng khi có nhà đầu tư vào khai thác, vận hành nguồn nước chứa tại hồ theo quy định", văn bản nêu.