Hình thành siêu đô thị TP.HCM mới 'không phải dấu cộng, mà là dấu nhân'

Ngày 25-4, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo về định hình không gian phát triển TP.HCM mới sau khi sáp nhập thêm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc tại TP.HCM mới đây (ngày 21-4) cho biết quy mô TP.HCM mới sẽ lớn như Thượng Hải của Trung Quốc. Tổng Bí thư đặt vấn đề phải phấn đấu làm sao để phát triển TP.HCM như Thượng Hải.
Theo ông, TP.HCM mở rộng sẽ không chỉ là chuyện của ba địa phương mà còn gắn bó sâu sắc hơn với Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang... để "tái thiết kế chiến lược phát triển vùng".
Tính toán lại không gian đô thị
TS Trần Du Lịch - chủ tịch Hội đồng tư vấn nghị quyết 98 của TP.HCM - cho hay sau khi sáp nhập, TP.HCM mới nếu khai thác được tiềm năng sẽ trở thành một siêu đô thị mà không có đô thị nào tại Đông Nam Á sánh bằng.
"TP.HCM mới sẽ có hàng hải, trung tâm công nghiệp, trung tâm tài chính thương mại, du lịch biển đảo rất lớn. Lợi thế của các đô thị riêng lẻ sẽ được hội tụ vào TP.HCM mới", ông Lịch nhận định.
Theo ông Lịch, phải nhìn nhận việc sáp nhập ba địa phương "không phải dấu cộng mà là dấu nhân", cộng hưởng các yếu tố thuận lợi để phát triển thành một siêu đô thị không phải nơi nào cũng có. Do đó phải tính toán lại quy hoạch theo hướng TP.HCM mới không phải là đơn vị hành chính cấp tỉnh mà là một tiểu vùng kinh tế. Từ đó rà soát các chỉ số cơ cấu kinh tế, phân bổ địa bàn, sử dụng đất.
"Sự tính toán phải trả lời câu hỏi có nhất thiết TP.HCM mới phải làm y như các quy hoạch đã được duyệt hay không, hay phải tính toán lại. Cần tính toán lại không gian đô thị, mở rộng không gian theo hướng phát triển bền vững" - ông Lịch nói.
Từ đó, ông Lịch đề nghị TP.HCM mới cần tính toán lại hạ tầng giao thông kết nối. Việc sáp nhập cũng phải hướng đến mục tiêu tăng trưởng hai con số, xây dựng tiểu vùng kinh tế có nhiều lợi thế về cơ chế, chính sách.
Nghị quyết 98 phải được áp dụng cho cả TP.HCM mới chứ không chỉ TP.HCM hiện nay nên cả ba địa phương cần phối hợp lại để định hình lại toàn bộ định hướng quy hoạch.
Định hình lại các ưu tiên
TS Phạm Trần Hải (nhóm nghiên cứu về quy hoạch của TP.HCM mới, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho hay các vấn đề đặt ra là việc phân bố các ngành kinh tế mũi nhọn, phân bố lại dân cư.
Về kết cấu hạ tầng thì cần đánh giá kế hoạch phát triển ngành giao thông, trong đó có sự phù hợp của hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM hiện nay khi sáp nhập với hai địa phương còn lại. Rà soát lại kết cấu hạ tầng cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; kết cấu hạ tầng xã hội như chuyển đổi các trụ sở dôi dư, đảm bảo sự kết nối giữa người dân và chính quyền.
Bên cạnh đó tổ chức lại các khu vực chức năng và kết nối các khu với nhau trong thành phố mới, các chương trình phát triển đô thị sẽ được tiếp tục như thế nào và tác động của việc sắp xếp đơn vị hành chính, bỏ quận huyện, sáp nhập các phường xã đến quy hoạch chung và quy hoạch phân khu ra sao.
Ngoài ra có nhiều vấn đề khác như nhà ở xã hội, phân bổ lại nguồn lực đất đai, phát triển giao thông công cộng... "Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch kịp thời theo tiến trình sắp xếp sẽ hạn chế tối đa việc chậm trễ đầu tư công, tạo điều kiện để thu hút đầu tư xã hội", ông Hải nêu ý kiến.
Theo ông Hải, trong việc xác lập lại thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công thì trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật với mục tiêu nâng cao năng lực kết nối vùng, tối ưu hóa không gian phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thành phố. Ưu tiên phát triển đường vành đai, các tuyến metro, đường sắt liên vùng, các cảng cạn và logistics thông minh.
Tái cấu trúc hệ thống hành chính
TS Phạm Thái Sơn (giảng viên ngành phát triển đô thị bền vững, Trường đại học Việt Đức) cho rằng việc sáp nhập các tỉnh thành sẽ tác động hệ thống quy hoạch, hệ thống phân loại đô thị hiện nay, cùng với đó là nhiều chiến lược, ưu tiên phát triển đã được phê duyệt.
Theo ông Sơn, việc sáp nhập tỉnh và tái cấu trúc hành chính không chỉ là vấn đề tổ chức bộ máy và định danh địa phương, mà tác động trực tiếp đến toàn bộ hệ thống quy hoạch phát triển quốc gia - trong đó có quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn.
Theo luật định, quy hoạch vùng và tỉnh phải điều chỉnh lại (thậm chí là làm lại từ đầu đối với một số vùng và nhiều tỉnh thành) để phản ánh đơn vị hành chính mới.
Ở một khía cạnh khác, phân vùng chức năng và không gian phát triển đô thị, nông thôn cũng sẽ có thay đổi căn bản và cần rà soát lại.
Ví dụ có thể thấy ngay việc tự động hình thành một số đô thị cấp tỉnh mới với quy mô lớn hơn trước, hoặc việc xuất hiện các cực đô thị trước kia nằm ở hai địa phương khác nhau nhưng sau khi sáp nhập tự động chuyển thành một cực (ví dụ như trường hợp các TP Dĩ An, Thuận An và Thủ Đức trong kịch bản TP.HCM có thể sáp nhập với Bình Dương). Như vậy hệ thống phân loại đô thị cần được đánh giá lại theo các kịch bản sáp nhập.
Theo ông Sơn, việc lập lại quy hoạch các cấp, các khu vực thường gắn liền với quá trình xác lập lại các ưu tiên phát triển và do đó là ưu tiên phân bổ nguồn lực của địa phương mới, từ đó tạo nền tảng pháp lý cho các dự án đầu tư phát triển có thể được triển khai phù hợp. Quá trình xác lập ưu tiên này chắc chắn sẽ định hình lại không gian phát triển của các địa phương.
Về mặt hành chính, theo các chuyên gia, việc tái cấu trúc giảm số lượng địa phương cấp tỉnh có thể tăng cường hiệu quả quản trị, tránh phân tán nguồn lực phát triển và tạo liên kết hữu cơ giữa các cực phát triển sẵn có trong các địa phương mới được thiết lập.
Đây là cơ hội để toàn bộ hệ thống hướng tới xây dựng hệ thống quản trị hiện đại, tương thích với quy mô và tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, gắn với xu thế phát triển bền vững và hội nhập quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề xuyên suốt vẫn còn tồn tại. Để quá trình tái cấu trúc này diễn ra hiệu quả, cần chuẩn bị kỹ lưỡng "hậu sáp nhập" về mặt quy hoạch và tổ chức phát triển không gian ở cấp độ địa phương mới.
Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu tán thành sáp nhập với TP.HCM, rõ hướng kết nối vùng
HĐND tỉnh Bình Dương trong cuộc họp mới đây (ngày 22-4) đã thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sáp nhập Bình Dương và TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và lấy tên là TP.HCM.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương, đa số cử tri Bình Dương được hỏi đồng ý việc sáp nhập Bình Dương và TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu với tỉ lệ hơn 92% cử tri đồng ý trong tổng số hơn 352.000 cử tri đại diện cho hộ gia đình được hỏi. Chỉ có 0,67% cử tri Bình Dương được hỏi không đồng ý sáp nhập (còn lại là "ý kiến khác").
Về định hướng quy hoạch gắn với TP.HCM mới, một lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết hiện các quy hoạch của Bình Dương đã được thực hiện rất bài bản, đồng bộ nên sẽ tạo thuận lợi khi kết nối vùng, sáp nhập. Về quy hoạch chung của tỉnh Bình Dương đã được Thủ tướng phê duyệt, công bố từ cuối năm 2024, trong đó định hướng Bình Dương phát triển công nghiệp, dịch vụ năng động, toàn diện của khu vực.
Trong bối cảnh mới, các quy hoạch, dự án ở cấp nhỏ hơn cũng đang được hoàn thiện. Tiêu biểu như mới đây TP Dĩ An, đô thị cửa ngõ của Bình Dương giáp với TP.HCM, đã công bố đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Dĩ An đến năm 2045.
Theo đó, đô thị Dĩ An sẽ được phân vùng phát triển, gắn với đầu mối giao thông TOD, trung tâm đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM... HĐND tỉnh Bình Dương mới đây cũng đã có các nghị quyết về chủ trương làm tuyến metro kết nối TP.HCM - thành phố mới Bình Dương để trình cơ quan trung ương xem xét, về dự án đường ven sông Sài Gòn qua địa bàn tỉnh Bình Dương để kết nối đồng bộ với đường ven sông của TP.HCM...
Trong khi đó vào giữa tháng 4-2025, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức cuộc họp để thông qua hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi hoàn chỉnh tại tỉnh, việc điều chỉnh này sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương theo quy định.
Tháng 12-2023, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050. Theo quy hoạch này, mục tiêu tổng quát là xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phát triển đột phá mà quy hoạch đưa ra là giải quyết các mâu thuẫn, xung đột có tính chất liên ngành, liên tỉnh.
Theo quy hoạch trên, Bà Rịa - Vũng Tàu xác định phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế bảo đảm tính cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ và hiệu quả với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Tại cuộc họp bàn nói trên, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở quan trọng để lập và điều chỉnh các loại quy hoạch khác.
Một trong những nội dung trọng tâm được điều chỉnh là phương án phát triển mạng lưới giao thông đường bộ theo hướng đồng bộ, liên hoàn, kết nối hiệu quả với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xác định nguồn lực đất đai phải được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững với tầm nhìn dài hạn. Do đó cần điều tra, thống kê, kiểm kê, lượng hóa và hạch toán đầy đủ giá trị đất đai trong nền kinh tế. Việc phân bổ, sử dụng đất sẽ được thực hiện hợp lý, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực phù hợp.
Cùng với đó Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần được điều chỉnh để bổ sung một số dự án vào danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này.