Nhảy đến nội dung
 

Hiện tượng 'nằm im' của Gen Z Hồng Kông

GD&TĐ - Hiện tượng trên được gọi là

Khi Alex Wong còn nhỏ, cha anh dành phần lớn thời gian ở công ty thay vì ở nhà. Ông đã hứa sẽ bù đắp lại thời gian đã mất sau khi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, việc cha anh chấn thương và bị liệt ngay sau sinh nhật 18 tuổi của Wong đã thay đổi cuộc đời anh. Wong nghĩ nếu cha anh đã làm việc không biết mệt mỏi vì một tương lai không bao giờ đến, thì điều gì có thể ngăn cản điều tương tự xảy ra với anh?

Wong, 22 tuổi thuộc thế hệ Gen Z (người sinh từ 1997-2012) ở Hồng Kông, Trung Quốc, anh cho biết hiện tại anh muốn tận hưởng đủ trước và chỉ nghĩ đến tương lai khi ở độ tuổi 30, dù hiện đang khó khăn về tài chính.

Người như Wong không hiếm. Một cuộc khảo sát liên quan đến chính quyền Hồng Kông năm ngoái cho thấy trong số những người trẻ (15-29 tuổi) không đi học hoặc đi làm, 36% không có kế hoạch tìm việc.

Hiện tượng trên được gọi là "tang ping", hay “nằm im” - một sự từ chối văn hóa làm việc chăm chỉ - đã trở nên phổ biến ở Hồng Kông.

Khoảng 44% học sinh trung học trong cuộc thăm dò của Hiệp hội Cơ đốc giáo dành cho phụ nữ trẻ Hồng Kông năm ngoái cho biết họ đang “nằm im” hoặc có kế hoạch làm như vậy.

Với một số người, đó là về sự tự do nhưng với những người khác, đó là sự nhàm chán vì phải lặp lại một công việc mỗi ngày.

Trong khi đó, một số chuyên gia thuộc Gen Z đang làm việc tự do toàn thời gian hoặc làm nhiều công việc bán thời gian. Họ là một nhóm người ngày càng phát triển được gọi là "slashers" - dấu gạch chéo - vì những dấu này thường xuất hiện trong mô tả công việc của họ.

Từ hỗ trợ tài chính đến tác động của Covid-19

Năm 2022, dữ liệu của chính quyền cho thấy Hồng Kông đã mất khoảng 116.600 lao động trẻ (18-39 tuổi) trong khoảng 2 năm. Nhiều người rời thành phố hoặc đơn giản là chọn không tham gia lực lượng lao động.

Các chuyên gia đưa ra giả thuyết một lý do đằng sau sự thay đổi ở Gen Z là sự an toàn tài chính mà các thế hệ trước đạt được.

“Cha mẹ họ khá giả hơn và không mong đợi thế hệ mới kiếm nhiều tiền để chăm sóc họ”, Benson Chan, giám đốc điều hành của Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Hồng Kông cho biết. “Thế hệ này không thực sự phải đối mặt với áp lực tài chính”.

Do đó, nhiều thanh niên vẫn phụ thuộc tài chính vào gia đình, phần lớn vẫn sống ở nhà. Ngoài hầu bao của cha mẹ, nhiều người thuộc Gen Z cũng tập trung vào hiện tại hơn là các mục tiêu tài chính dài hạn.

Ông Chan cho rằng việc lớn lên trong thế giới của mạng xã hội và sự thỏa mãn tức thời đã khiến Gen Z cảm thấy không được thỏa mãn khi mong muốn của họ không được đáp ứng ngay lập tức.

Đồng thời, các mục tiêu tài chính dài hạn dường như nằm ngoài tầm với. Một cuộc khảo sát của HSBC năm 2024 cho thấy 61 % người Hồng Kông thuộc Gen Z tin rằng việc sở hữu nhà là "điều xa vời" đối với họ nhất là khi Hồng Kông là một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.

Đại dịch Covid-19 cũng góp phần định hình quan điểm của Gen Z. Nó cắt đứt các tương tác xã hội của họ và làm sâu sắc thêm cảm giác cô lập của họ.

Gen Z có thể kén chọn không?

Mặc dù không muốn làm việc toàn thời gian, nhưng Gen Z có thể không đủ khả năng trì hoãn việc tìm việc làm lâu dài vì cơ hội đang cạn kiệt.

Ada Siu, 24 tuổi là một ví dụ. Mới tốt nghiệp ngành truyền thông, cô và một số bạn cùng lớp đã phải vật lộn 6 tháng để có được công việc toàn thời gian. Mỗi người phải nộp hơn 100 đơn xin việc để có vài cuộc phỏng vấn.

Theo một cuộc khảo sát năm ngoái, 2/5 người thuộc Gen Z và thế hệ thiên niên kỷ ở Hồng Kông thường nghĩ đến nghỉ việc. Nhiều người trong số họ có thể đang tìm kiếm sự gắn kết lớn hơn.

“Tôi sẽ cảm thấy như một con ếch… trong nồi nước sôi,” - Siu nói về việc ở lại lâu dài trong một công ty - “Nếu tôi cảm thấy mình đã học đủ ở vị trí này hoặc đã có đủ kinh nghiệm, thì tôi nghĩ việc muốn thay đổi là điều tự nhiên.”

Tuy nhiên, hiện tượng nhảy việc bị chỉ trích trong văn hóa làm việc truyền thống của Hồng Kông.

“Những người nhảy việc được coi tốn kém cho các công ty vì bạn đào tạo họ rồi họ lại nghỉ việc”, Wendy Suen, giám đốc giải pháp nhân tài cho công ty tư vấn tuyển dụng ConnectedConsult, lưu ý.

Thêm vào thách thức đối với Gen Z của Hồng Kông là sự cạnh tranh từ Trung Quốc đại lục. Kể từ năm 2022, các quy định về thị thực được nới lỏng đã cho phép nhiều người Trung Quốc đại lục hơn được sống và làm việc tại thành phố này.

Điều gì thu hút Gen Z với việc làm?

Để thu hút nhiều người Hồng Kông thuộc Gen Z hơn, bà Suen đề xuất các công ty nên tập trung vào việc triển khai các sáng kiến về phúc lợi.

Một cuộc khảo sát do công ty khởi nghiệp về sức khỏe tâm thần Intellect và nền tảng tài sản kỹ thuật số Endowus công bố năm ngoái cho thấy 31% thế hệ thiên niên kỷ và Gen Z ở Hồng Kông muốn nơi làm việc của họ cung cấp các hội thảo về sức khỏe tâm thần.

Trong một cuộc khảo sát gần đây khác, công ty truyền thông toàn cầu Edelman phát hiện ra Gen Z của Hồng Kông có kỳ vọng cao đối với các nhà lãnh đạo của họ. Họ muốn một người quản lý chăm chỉ và là người giống như một người bạn, người có thể được kết nối một cách tự nhiên.

Họ cũng tìm kiếm hệ thống phân cấp phẳng hơn và môi trường làm việc mang tính cộng tác hơn. Tuy nhiên, nhiều sở thích trong số này có thể trở thành thách thức tại nơi làm việc ở Hồng Kông, nơi vẫn chủ yếu là phân cấp, với sự nhấn mạnh vào các quy tắc và tính chuyên nghiệp.

Tiếp theo là văn hóa làm việc nhiều giờ của thành phố. Theo một cuộc khảo sát của Liên đoàn Công đoàn Hồng Kông năm 2023, hơn một nửa số lao động làm việc hơn 45 giờ/tuần; 7,3% số người được hỏi làm việc hơn 70 giờ.

Trong khi đó, Gen Z muốn có sự linh hoạt. Gần 8/10 người lao động Gen Z ở đây thích làm việc kết hợp và việc thiếu điều này là lý do chính khiến 3/10 người lao động rời bỏ công việc trước đây, theo nhà cung cấp không gian làm việc toàn cầu International Working Group.

Bà Suen mô tả nhân viên Gen Z trung bình muốn "làm việc thông minh, không phải chăm chỉ", nhưng là người phát triển mạnh mẽ trong những thử thách và khao khát sự kích thích cũng như cơ hội để học hỏi.

Theo CNA