Nhảy đến nội dung
 

Hé lộ nghĩa địa 5.000 năm tuổi ở Quỳnh Văn

Nhiều hiện vật, đặc biệt là những bộ hài cốt vừa được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ ở di chỉ Quỳnh Văn (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) hé lộ những bí ẩn về nghi thức và tập tục tang lễ độc đáo.

Hé mở cuộc sống của người cổ đại Quỳnh Văn

Di chỉ Quỳnh Văn (xã Quỳnh Văn, H.Quỳnh Lưu) nằm cạnh QL1A, cách bờ biển khoảng
7 km. Khu di chỉ này rộng gần 5.000 m2, đã được xây tường rào bảo vệ, xung quanh là nhà dân. Các đợt khai quật năm 1963, 1964 trên diện tích 150 m2 phát hiện số lượng lớn di vật đá, xương, vỏ nhuyễn thể và một số mảnh gốm, đặc biệt đã tìm thấy 30 ngôi mộ trong hố khai quật. Từ kết quả này, các nhà khảo cổ học nhận định Quỳnh Văn là một di chỉ cư trú và mộ táng loại hình cồn sò điệp, thuộc văn hóa Quỳnh Văn, có niên đại cách đây gần 5.000 năm. người cổ Quỳnh Văn thuộc chủng Australo - Negroid và mang một số nét của Mongoloid.

Đợt khai quật mới đây được thực hiện từ ngày 19.3 bởi các chuyên gia khảo cổ thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Quốc gia Úc và Bảo tàng Nghệ An. GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, đồng chủ trì đợt khai quật, cho biết mục tiêu dự án là xây dựng chuỗi niên đại bằng phương pháp phân tích Carbon C14 cho thời điểm con người bắt đầu cư trú và khoảng thời gian sinh sống của họ tại Quỳnh Văn, phục dựng bối cảnh sinh hoạt và cách người xưa tạo dựng địa điểm này.

Đoàn khảo cổ đã mở 3 hố khai quật ở 3 vị trí khác nhau. Hố thứ nhất rộng 9 m2, sâu 3,2 m chủ yếu là vỏ điệp và tích tụ trầm tích văn hóa do người cổ để lại. Các nhà khảo cổ nhận diện có ít nhất 3 lớp điệp trầm tích cư trú và nhận định sơ bộ đây có thể là khu vực mà cư dân cổ sinh sống trong thời gian dài.

Tại hố này, đoàn khảo cổ phát hiện 56 lỗ cọc, phân bố chủ yếu ở các tầng vị muộn, đặc biệt trong lớp điệp trắng, đôi khi có đá lớn chèn xung quanh và dấu tích 54 cái bếp nguyên thủy, hình tròn, đường kính 30 - 50 cm, cấu tạo bởi đá bị nung cháy, than tro, vỏ nhuyễn thể và vùng than đen ở trung tâm. Một số bếp có muộn hơn được xây chồng lên bếp trước đó. Ngoài ra, các dấu tích khác như lỗ chôn sâu chứa vỏ nhuyễn thể hoặc trầm tích vỏ ngao sò đập vụn gần bếp, được cho là tàn tích thức ăn của người cổ.

Di vật trong hố khai quật này gồm nhiều viên đá cháy trong các bếp, công cụ đá và mảnh tước, cùng một số mảnh gốm nhỏ vỡ vụn. Đá cháy liên quan việc làm nóng thực phẩm, chủ yếu là đá núi không cứng, không phù hợp chế tác công cụ. Các nhà khảo cổ nhận định khu vực này chủ yếu được dùng cho cư trú, với nhiều bếp lửa được bảo tồn tốt và đá bị biến đổi do nhiệt, gợi ý về cách thức chế biến thức ăn của người cổ. Quá trình khai quật, đoàn khảo cổ tìm thấy nhiều xương cá biển, cá da trơn và dấu hiệu của việc sử dụng cá sấu, rùa, lợn, hươu nai. Điều này cho thấy cư dân cổ ở đây đã thích ứng cao với môi trường nước và trên cạn.

Bí ẩn những ngôi mộ cổ

Tại hố số 2 rộng 9 m², cách hố thứ nhất khoảng 31 m là một nghĩa địa của người cổ đại. Hố này chỉ mới khai quật đến độ sâu 2,5 m nhưng các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều mộ táng và bếp lửa, mảnh tước đá và một số mảnh gốm Quỳnh Văn. Các mộ táng này ít nhất có 2 lớp mộ khác nhau. Lớp mộ sớm nằm phía dưới lớp vỏ sò dày 1,5 m.

"Ở hố này, chúng tôi phát hiện một chuỗi lớp trầm tích phức tạp với hàm lượng vỏ sò cao, khác biệt so với lớp vỏ điệp giấy placuna placenta ở hố khai quật số 1. Các lớp trầm tích này dốc từ nam xuống bắc. Trong hố, nhiều bếp lửa được tìm thấy, cho thấy hoạt động mạnh mẽ của con người", GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung cho hay.

Từ độ sâu 2 m trở xuống, đoàn khảo cổ phát hiện các ngôi mộ chôn người trong tư thế ngồi co bó gối và đã khai quật 6 bộ hài cốt. Nhiều ngôi mộ khác đã lộ diện hài cốt. GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết đây là nghĩa địa văn hóa Quỳnh Văn đầu tiên được bảo tồn tốt, được xác định và ghi nhận. Thi thể trong mỗi ngôi mộ đặt trong hố tròn với đầu gối co sát vào đầu. Khi phân hủy, bộ xương sụp xuống, đôi khi phần thân trên trông như bị tách rời, nhưng khai quật cẩn thận đã làm rõ vị trí ban đầu. "Kiểu chôn ngồi này phổ biến, đặc trưng cho văn hóa Đa Bút tại Thanh Hóa, nơi có đồ gốm và rìu đá mài, đồng thời, phổ biến trong giai đoạn sau thời kỳ săn bắt hái lượm ở miền nam Trung Quốc, Đông Nam Á và Úc. Các ngôi mộ ở Quỳnh Văn không có đồ gốm hay công cụ đá mài, chỉ có công cụ đá ghè đẽo kiểu Hòa Bình, Bắc Sơn và kỹ nghệ Ngườm, cho thấy mộ Quỳnh Văn có thể cổ hơn Đa Bút hoặc thuộc "quỹ đạo" văn hóa khác", GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung nhận định.

Một số ngôi mộ ở hố này được phủ một lớp cát biển vàng, có đá lớn đặt ở chân hoặc đống đá gồm đá nghiền vỡ, 3 chày đá và ngà voi gãy. Một thi thể được chôn cùng 3 vỏ sò, 2 vỏ ốc biển cowrie đục lỗ có thể là vòng cổ và mộ có 3 thi thể đặt chồng lên nhau. Ngoài ra, các hố cột lớn có đá cố định cột, cho thấy khả năng xây dựng khu vực có mái che, điều này không thấy ở hố khai quật 1 do lớp vỏ điệp giấy dày đặc. Lớp mộ muộn hơn ở độ sâu hơn 2 m, đoàn khảo cổ phát hiện 2 ngôi mộ và nhận định đây là cùng loại với những ngôi mộ khai quật năm 1963 - 1964 tại di chỉ này.

"Các mộ táng ở Quỳnh Văn có hiện tượng chôn cạnh nhau hoặc chồng lên nhau, nhưng biên mộ vẫn được giữ nguyên, không bị phá hủy bởi các mộ chôn sau. Điều này cho thấy cư dân cổ Quỳnh Văn có ý thức rõ ràng về việc chôn cất người chết và đời sống tinh thần, tâm linh của họ rất rõ nét", GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung cho hay.

GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung đánh giá cuộc khai quật đã đạt được nhiều mục tiêu, làm sáng tỏ mô hình tổ chức không gian sinh sống của cư dân cổ và những nghi thức, tập tục tang lễ độc đáo. Do thời gian hạn chế, việc khai quật hố số 2 sẽ được tiếp tục vào năm sau. Kết quả khai quật mới cho thấy tiềm năng nghiên cứu của di tích này còn rất lớn. Một số di cốt được bảo tồn tốt sẽ mang lại nhiều tiềm năng nghiên cứu về niên đại, nguồn gốc, chủng tộc, bệnh lý và chế độ dinh dưỡng của cư dân cổ đại.