Thế hệ bị chỉ trích vì không 'alo' khi nghe điện thoại

![]() |
Gen Z xem người gọi là người chủ động, nên họ chờ đợi người kia nói trước. Ảnh minh họa: Exels Eren Li/Pexels. |
Theo Katie Notopoulos (Mỹ), cây bút kỳ cựu của Business Insider chuyên viết về công nghệ, kinh doanh và văn hóa, thói quen trả lời điện thoại bằng một tiếng "alo" từng được xem là chuẩn mực giao tiếp cơ bản. Tuy nhiên, với Gen Z, thế hệ lớn lên trong thời đại smartphone và không còn điện thoại bàn, chuẩn mực này dường như đã trở thành dĩ vãng.
Một bài đăng lan truyền trên mạng xã hội gần đây đã làm nóng lại cuộc tranh luận về sự khác biệt thế hệ trong giao tiếp qua điện thoại. Cụ thể, một nhà tuyển dụng chia sẻ rằng khi gọi điện cho các ứng viên Gen Z vào thời gian đã hẹn trước, những người trẻ này thường im lặng, chờ người gọi mở lời thay vì nói "alo". Bên dưới bài viết, nhiều người trẻ đồng tình, cho rằng người gọi mới là người nên bắt đầu cuộc trò chuyện.
Theo Katie Notopoulos, lý do cho thói quen này có thể được chia thành 2 nhóm chính.
Thứ nhất là vấn nạn cuộc gọi rác. Với số lượng cuộc gọi quảng cáo và lừa đảo ngày càng tăng, nhiều người trẻ chọn cách im lặng khi nhấc máy để "sàng lọc" xem đó có phải là người thật hay không. Các cuộc gọi tự động thường được thiết kế để kích hoạt khi nghe thấy từ "alo", do đó, việc giữ im lặng trở thành một chiến lược tránh phiền hà.
Marijus Briedis, Giám đốc công nghệ tại công ty dịch vụ mạng NordVPN, chỉ ra một lo ngại khác là nguy cơ giọng nói bị ghi âm và sử dụng cho các mục đích lừa đảo.
"Dù chưa có nhiều dữ liệu về tần suất xảy ra, việc này hoàn toàn có thể", ông nói. Thay vì nói "alo", ông gợi ý dùng các câu trung lập như "Ai đấy?" để giảm rủi ro bị sao chép giọng nói. Tuy nhiên, cách trả lời này đôi khi bị xem là thiếu lịch sự so với việc chỉ lặng lẽ thở vào ống nghe.
![]() |
Im lặng khi nghe máy cũng là cách Gen Z tự bảo vệ mình trước rủi ro công nghệ. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Nhóm lý do thứ hai liên quan đến sự thay đổi trong chuẩn mực giao tiếp. Một số người trẻ cho rằng người gọi, vì đã chủ động liên lạc, nên chịu trách nhiệm mở đầu cuộc trò chuyện. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn phản ánh sự khác biệt thế hệ trong cách tiếp cận giao tiếp.
"Là một người thuộc thế hệ Millennials, tôi lớn lên với điện thoại bàn và việc trả lời bằng câu 'Đây là nhà Notopoulos, tôi là Katie' là điều bình thường. Trong môi trường công việc, tôi từng trả lời điện thoại với tên công ty và lời chào đầy đủ", Katie chia sẻ.
Nhưng chỉ trong vài thập kỷ, cách chúng ta sử dụng điện thoại đã thay đổi chóng mặt. Điện thoại di động giờ đây là thiết bị cá nhân, không còn là chiếc máy chung của cả gia đình. Việc để lại lời nhắn voicemail từng là một nghệ thuật, nhưng giờ đây, nhiều người chỉ đọc bản chép lời nhắn thay vì nghe trực tiếp.
Sự thay đổi này kéo theo những quy tắc mới. Nhiều người cảm thấy cần xin lỗi khi gọi điện bất ngờ, như thể đó là hành động xâm phạm không gian riêng tư. Việc hẹn trước một cuộc gọi ngắn qua tin nhắn hay email giờ đây trở thành chuẩn mực. Trong bối cảnh đó, liệu việc không nói "alo" có thực sự là dấu hiệu của sự suy giảm kỹ năng giao tiếp?
Thói quen không nói "alo" của Gen Z có thể khiến những người thuộc thế hệ lớn hơn khó chịu, thậm chí liên tưởng đến những hành vi như "cái nhìn chằm chằm của Gen Z" trong các tình huống dịch vụ khách hàng. Nhưng thay vì vội vàng kết luận rằng thế hệ trẻ đang đánh mất kỹ năng giao tiếp cơ bản, Katie cho rằng có lẽ mọi người nên nhìn nhận vấn đề một cách cởi mở hơn.
Điện thoại, xét cho cùng, chỉ là một phát minh tương đối mới trong lịch sử loài người. Từ "alo" chỉ trở thành chuẩn mực từ những năm 1870, khi Thomas Edison đề xuất dùng nó để bắt đầu một cuộc gọi. Đến những năm 1940, phần lớn các hộ gia đình Mỹ mới bắt đầu sở hữu điện thoại riêng. Các quy tắc giao tiếp qua điện thoại đã được định hình và thay đổi qua từng thế hệ, vậy tại sao chúng ta lại mong đợi chúng bất biến?
Katie Notopoulos cho rằng có lẽ đã đến lúc mọi người nên nhìn nhận thói quen này như một phần của sự tiến hóa trong giao tiếp, thay vì một bước lùi.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.