'Hậu sinh khả úy' nhà tôi lan tỏa tinh thần tiết kiệm điện

Mẹ ơi, hôm trước đến nhà bạn Minh chơi, con thấy nhà bạn mở máy điều hòa cả ngày, giữa trưa mà đèn điện bật sáng trưng vì kéo rèm kín mít. Như vậy là quá lãng phí điện phải không mẹ?
Vừa về nhà thấy tôi, con trai liền hỏi như thế, sau khi thấy gia đình bạn mình tiêu thụ điện năng bất hợp lý dù các bạn nhỏ đã được dạy rất nhiều bài học tiết kiệm điện từ trường lớp. Tôi hỏi vì sao, con cho rằng, những hành động đó gây lãng phí điện.
Con trai tôi giải thích nguồn ánh sáng ban ngày tốt hơn nhiều so với bóng đèn điện. Chỉ cần mở cửa, kéo rèm là nắng, gió tràn vào nhà, mở đèn hay bật điều hòa đều không cần thiết.
Từ khi con lên ba, con có khả năng nhận thức và tiếp thu, tôi đã dạy con ý thức tiết kiệm điện, không chỉ đơn giản để hóa đơn điện mỗi tháng “dễ thở”, mà sâu xa hơn là bảo vệ môi trường, duy trì không gian sống trong lành, mát mẻ.
Ai cũng biết sử dụng điện bừa bãi là góp phần làm tăng lượng khí thải nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu và gây ra những thảm họa thiên nhiên như nắng nóng kéo dài, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, động đất… Ai đã từng trải qua những cơn bão gây lụt diện rộng ở miền Trung, hay thời kỳ hạn mặn kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ hiểu cơn thịnh nộ của thiên nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân thế nào.
Tiết kiệm điện - hành động nhỏ đem lại lợi ích lớn
Vậy làm sao để giảm thiểu tác hại của việc biến đổi khí hậu? Rất đơn giản, mỗi người hãy tự hình thành thói quen tắt các thiết bị điện nếu không thật sự cần thiết. Đừng bao giờ có suy nghĩ: “Chỉ tắt một bóng đèn thì tiết kiệm được bao nhiêu!”. Góp gió thành bão, mỗi người một hành động nhỏ sẽ đem lại lợi ích lớn.
Tuổi thơ của con trai tôi gắn liền với lời dạy dỗ tiết kiệm điện của mẹ, và bé đã hiện thực hóa lời dạy ấy vào những hành động thực tế. Từ đó, tôi thấy con không xem tivi quá một giờ. “Xem nhiều vừa hại mắt vừa tốn điện mẹ nhỉ!”, bé nói. Thay vì ngồi xem tivi lâu, con trai tôi dành nhiều thời gian chơi đá bóng, cầu lông, đạp xe… cùng đám bạn.
Có những lúc tôi vội, vẫn để laptop chạy đi làm việc khác, con là người tắt giùm, rồi nhắc tôi laptop vẫn “ngốn” điện và không an toàn, dù để chế độ sleep. Các cánh cửa ở nhà tôi từ cửa chính tới cửa sổ đều mở toang vào ban ngày, tận dụng gió trời và nguồn ánh sáng tự nhiên. Những chiếc điều hòa chỉ mùa nắng nóng gay gắt mới... có dịp hoạt động. Con tôi thích nằm quạt hơn vì luồng gió tự nhiên giúp bé thấy khỏe khoắn, dễ chịu hơn nhiều.
Mỗi ngày một hành động nhỏ, dần dần, con tôi hình thành thói quen tiết kiệm điện một cách tự nhiên. Vì thế, khi chứng kiến những hành vi lãng phí điện, bé ngạc nhiên xen lẫn khó chịu là điều khó tránh. Tôi đề nghị con góp ý với bạn, giúp bạn tạo lập thói quen tốt giống mình. Thế là sau mỗi buổi đi học về, bé hào hứng khoe hôm nay đã “cập nhật kiến thức” cho bạn thế nào.
“Mẹ ơi, con nói với Minh là nhà không thông khí sẽ khiến khí độc hại không thoát ra được, khí sạch bên ngoài không vào được, lâu ngày sinh bệnh”, “Hôm nay thấy Minh ra khỏi lớp cuối cùng mà không tắt đèn, con nhắc bạn nếu không ai dùng nữa thì nên tắt hết thiết bị điện tử mẹ ạ”, “Mẹ ơi Minh bảo con hôm qua thử tắt điều hòa, mở cửa phòng, bạn thấy dễ chịu lắm ạ” - con tôi kể lại. Cứ thế, niềm vui mỗi ngày của con làm lan tỏa được tinh thần tiết kiệm điện với bạn bè.
Không phải ngẫu nhiên mà hằng năm, “giờ trái đất” lại được hưởng ứng nhiều đến thế. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy ý thức “tránh lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia” trong cộng đồng ngày càng nâng cao.
Hy vọng mỗi người sẽ tự thiết lập một “giờ trái đất” cho riêng mình để bảo vệ nguồn năng lượng điện, dù ở bất cứ đâu. Có như vậy, môi trường sống của chúng ta mới giữ được xanh - sạch - đẹp lâu dài và bền vững.