Hành trình không ngoảnh lại của 'bà Tây' Virginia Mary Lockett

Trong lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2 năm nay ở Đà Nẵng, người nhận được nhiều sự quan tâm và chúc mừng nhất lại là một "bà Tây": Virginia Mary Lockett.
Bà chuyên gia vật lý trị liệu người Mỹ, chủ tịch Tổ chức Steady Footsteps, người được trao Huân chương Hữu nghị sau khi dành hai thập niên toàn tâm toàn ý chăm sóc cho người bệnh Việt Nam.
Lần nào gặp, bà Virginia Mary Lockett và ông David - chồng bà - cũng đều khẳng định Việt Nam không còn là quê hương thứ hai, mà chính là nhà của họ. Lần này cũng vậy, bà nói: "20 năm trước bán nhà đi nửa vòng Trái đất sang đây, tôi đã chọn chuyến đi không có khứ hồi".
Nhân duyên với Việt Nam
Câu chuyện quay về ngày xa lắc. Lần đầu tiên bà Lockett đặt chân đến Việt Nam là năm 1995, khi cùng chồng sang nhận con nuôi ở Nha Trang. Việt Nam và Mỹ vừa bình thường hóa quan hệ ngoại giao, vợ chồng bà Lockett nhận nuôi hai người con Việt Nam như nghĩa cử hàn gắn.
Thời gian chờ đợi thủ tục nhận con kéo dài nhiều tuần, biết bà là chuyên gia vật lý trị liệu, người thông dịch viên đưa bà về thăm cha mình đang nằm liệt sau một tai nạn giao thông. Bà Lockett vẫn còn nhớ rõ: "Hồi đó điều kiện sống và y tế ở Việt Nam còn hạn chế.
Ông ấy bị gãy xương đùi nhưng không được phẫu thuật kịp thời, dẫn đến liệt toàn thân, người nhà bệnh nhân bất lực nhìn ông dần suy kiệt. Lúc tôi đến, tình hình đã không thể đảo ngược".
Hình ảnh đó ám ảnh vợ chồng Virginia suốt nhiều năm sau khi về Mỹ. Là một chuyên gia vật lý trị liệu và phục hồi chức năng giàu kinh nghiệm, bà hiểu rằng nếu có sự chăm sóc y tế đúng cách, người đàn ông kia hoàn toàn có thể đi lại được. Nỗi ám ảnh đó thôi thúc bà trở lại, tìm kiếm cơ hội giúp đỡ bệnh nhân Việt Nam.
Khi ba người con - trong đó có hai người con nuôi Việt Nam - đã có thể tự chăm sóc bản thân, bà Lockett quay lại Việt Nam trong vai trò tình nguyện cho Tổ chức Tình nguyện y tế hải ngoại (HVO).
Ba tuần cùng làm việc với các bác sĩ tại một cơ sở y tế chuyên phục hồi chức năng ở Đà Nẵng, hướng dẫn kỹ thuật viên điều trị phục hồi cho bệnh nhân, có chút kết quả nhưng bà không hài lòng. Thời gian ngắn, bất đồng ngôn ngữ khiến các kỹ thuật viên không thể nắm hết được kỹ năng, thói quen cũ vẫn thắng.
Quay về Mỹ, bà trăn trở: "Ở đây không có mình thì sẽ có người khác làm nhưng nếu làm việc ở Việt Nam thì nhiều người sẽ có cơ hội lành bệnh hơn". Thêm vài lần qua lại Việt Nam ngắn ngày, Virginia càng cảm thấy mệt mỏi vì vừa mất tiền vừa mất sức.
Một ngày nọ, bà quyết định nói thẳng ý định sang Việt Nam định cư với chồng, đinh ninh sẽ mất nhiều thời gian thuyết phục. Không ngờ khi nói ra, David lại gật đầu đồng ý "cái rụp". Thế là đi, "chuyến đi không có khứ hồi".
Cả hai cầm trong tay số tiền bán nhà, đáp chuyến bay đến Việt Nam với tấm visa du lịch. Họ chọn Đà Nẵng với suy nghĩ đơn giản "đến với nơi đang cần mình", thuê một căn nhà nhỏ gần đường biển Hồ Xuân Hương để được hóng gió biển như lúc còn ở bên bờ biển Virginia Beach (Mỹ).
Lúc đó đường biển này còn hoang sơ đầy những rặng phi lao, xung quanh nhà chỉ có cát trắng. Sau 20 năm, nơi đây đã trở thành một khu phố Tây sầm uất những resort quốc tế, vô vàn người nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Mọi thứ đổi khác quá nhanh, duy chỉ có bà Lockett hằng ngày vẫn cần mẫn chạy xe máy đến bên bệnh nhân.
Những bước chân vững vàng
Tìm không ra tổ chức phi chính phủ nào phù hợp với chuyên ngành phục hồi chức năng của mình, hai vợ chồng quyết định tự lập. Steady Footsteps (Những bước chân vững vàng) ra đời.
Ở Việt Nam, vợ chồng ông bà có bệnh nhân là người thân. Thời gian đầu bà làm việc trong một số bệnh viện, tập trung vào hai nhóm bệnh nhân chính là chấn thương sọ não và tai biến mạch máu não. Một lần chứng kiến tai nạn giao thông, Steady Footsteps của vợ chồng bà đã tặng hơn 3.500 mũ bảo hiểm cho nhân viên y tế và cả thân nhân của họ.
"Đó là thời điểm trước năm 2007 khi luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm chưa ra đời. Mũ bảo hiểm thời điểm đó khá đắt nhưng tôi thấy vui vì góp phần bảo vệ được cho những người đi bảo vệ sức khỏe. Đã gần 20 năm rồi vẫn còn nhiều người giữ chiếc mũ của Steady Footsteps, đó là điều khiến tôi hạnh phúc" - ông David kể.
Năm 2010, bà Lockett quyết định "đầu quân" vào Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, trực tiếp khám, điều trị cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân đột quỵ và chấn thương sọ não, bệnh nhi chậm phát triển vận động, điều trị giảm đau cho các bệnh lý cơ - xương - khớp….
Mỗi sáng bà cùng trợ lý chạy xe máy đến bệnh viện, như hình với bóng cùng các bác sĩ, hướng dẫn kỹ thuật trị liệu cho nhân viên y tế và trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Với sự hỗ trợ của người phiên dịch, các kỹ thuật viên dưới sự hướng dẫn của bà đã thuần thục các phương pháp trị liệu.
Rào cản ngôn ngữ là một thách thức lớn nhưng dần dần bà đã tìm ra cách giao tiếp bằng cử chỉ, ánh mắt và những biểu cảm đơn giản.
Anh Nguyễn Hữu Huy, người trợ lý kiêm phiên dịch cho bà Lockett, kể nhiều lúc chỉ cần bằng ánh mắt bà Lockett đã chạm vào được những đau đớn của bệnh nhân. "Bà Lockett luôn đánh giá xem vấn đề của bệnh nhân ở đâu bằng giọng hài hước để khiến tâm trạng họ tốt lên và tin tưởng vào sự phục hồi. Tuyệt đối không bỏ cuộc" - anh Huy kể.
19 năm đồng hành, anh Huy không nhớ đã bao nhiêu người bệnh miền Trung xem bà là ân nhân, đã có bao nhiêu trường hợp từng có ý định buông xuôi nhưng khi đến với "bà Tây" họ đã không bỏ cuộc, được chữa khỏi, có thể đi đứng vận động.
Như trường hợp ông Lê Tiến - nông dân ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam - được người nhà chuyển tới Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng cách đây nhiều năm. Sau đợt điều trị cấp, ông Tiến trong tình trạng mất khả năng ngôn ngữ, liệt nửa người do cơn tai biến.
Bà Lockett đã trực tiếp làm dụng cụ tập đi, tập cử động tay, luyện cho ông ngồi, lăn, đạp xe tại chỗ suốt nhiều tháng trời, tập nói lại từng từ đơn giản. Ngày ông bật ra được chữ "Cảm ơn" đã làm hai người phụ nữ tận tụy là vợ và "bà Tây" rơi nước mắt.
Ngoài công việc chuyên môn, bà Lockett còn dành thời gian sau giờ làm việc để làm những dụng cụ tập vật lý trị liệu tặng bệnh nhân, có khi là những dụng cụ để phục vụ bài tập vận động, có khi là những dây đai an toàn. Tôi luôn cố làm tất cả những gì có thể cho bệnh nhân mau chóng phục hồi" - bà nói.