Hành trình gieo mầm tiết kiệm điện

Tại Trường tiểu học và THCS Quang Minh (xã Kiến Xương, Hưng Yên) - nơi tôi công tác - hành trình tiết kiệm điện bắt đầu từ những điều rất đời thường: chỉ bật đèn khi ánh sáng tự nhiên không đủ, mở quạt theo số lượng học sinh có mặt, rút dây sạc sau khi dùng, kiểm tra công tắc trước khi rời lớp.
Mỗi sáng thứ hai, sau nghi thức chào cờ, cô Tổng phụ trách Đội của trường lại dành một vài phút nhắc nhở: “Các con nhớ tắt quạt, tắt đèn khi ra khỏi lớp nhé. Tiết kiệm điện là góp phần bảo vệ môi trường đấy!”. Câu nói ngắn gọn, đều đặn, nhưng đã gieo vào tâm trí học sinh một thói quen nhỏ - không phô trương, không gượng ép, mà nhẹ nhàng như ánh nắng đầu tuần.
Mỗi lớp đều có đội trực nhật và ban cán sự luân phiên kiểm tra. Khi chuyển tiết hoặc ra về, các em luôn nhắc nhau: “Mình tắt điện chưa?”, “Quạt còn chạy không?”.
Ban cán sự lớp chịu trách nhiệm đôn đốc, đội sao đỏ theo dõi, ghi nhận từng vi phạm, điểm thưởng, điểm trừ của lớp được cập nhật mỗi tuần. Kết quả này không chỉ ảnh hưởng đến thi đua, mà còn tạo thành một trò chơi tập thể rất được học sinh yêu thích. Có lớp còn sáng tạo làm bảng nhắc “Tắt điện - tiết kiệm - sống xanh” bằng bìa cát tông tái chế, dán ngay bên cửa ra vào. Những dòng chữ nắn nót ấy không chỉ gợi nhắc, mà còn là lời tuyên bố đáng yêu: chúng em đang lớn lên cùng ý thức tiết kiệm.
Thầy, cô cũng khéo léo tổ chức nhiều hình thức rèn luyện: trò chơi “Ai nhanh hơn” để phát hiện lớp học nào quên tắt đèn; tiết sinh hoạt với chủ đề “Nếu bạn là thiết bị điện”; hay thi đua “Lớp em không để thiết bị chạy khi không cần thiết”. Đây đều là các hoạt động được lấy cảm hứng từ các mô hình giáo dục thành công ở Hà Nội, Bắc Giang và Nam Định - nơi học sinh được học kỹ năng tiết kiệm điện thông qua thực hành, sáng tạo và trải nghiệm.
Không cần khẩu hiệu treo cao hay công nghệ cầu kỳ, thói quen tiết kiệm điện đã được gieo vào từng góc lớp, từng hành lang và âm thầm đi vào ý thức học trò như một phần tự nhiên của đời sống học đường.
Tiết kiệm điện trong gia đình và lớp học để sống đúng và bền vững hơn
Điều quan trọng hơn cả hành động, chính là sự hiểu biết. Nhà trường luôn xác định: muốn học sinh tiết kiệm điện bền vững, phải giúp các em hiểu vì sao phải làm vậy. Các tiết học đạo đức, tự nhiên - xã hội, khoa học đều được thầy, cô tích hợp nội dung về tiết kiệm điện: từ nguyên lý tạo ra điện, đến tác hại của việc sử dụng năng lượng lãng phí đối với môi trường và xã hội.
Bên cạnh đó, các tiết thực hành kỹ năng sống cũng được tổ chức định kỳ, với chủ đề cụ thể: cách sử dụng thiết bị điện an toàn, nhận biết nguy cơ chập cháy, xử lý khi thấy dây điện hở. Học sinh được đóng vai, thảo luận, xử lý tình huống và nêu ý kiến. Chính trong những buổi học ấy, các em bắt đầu hiểu rằng: mỗi hành vi sử dụng điện đều có thể là mối nguy, hoặc là cơ hội để thể hiện sự cẩn trọng, trách nhiệm.
Không dừng lại ở lớp học, ý thức tiết kiệm điện của học sinh còn lan tỏa đến từng gia đình. Không ít phụ huynh cũng tâm sự: “Nhờ cháu mà nhà tôi thay hết bóng đèn sang LED, mua thêm ổ cắm an toàn, giờ đi đâu cháu cũng nhắc kiểm tra công tắc”.
Một số phụ huynh còn chia sẻ rằng con mình đã chủ động viết bảng nhắc dán trong nhà, lập danh sách thiết bị hay bị… bỏ quên và tự kiểm tra mỗi tối. Điều đó gợi lại khuyến nghị trong một bài báo tôi từng đọc: “Tiết kiệm điện chỉ thực sự trở thành văn hóa khi học sinh trở thành người truyền cảm hứng tại chính gia đình mình”.
Tiết kiệm điện - với trường tôi không còn là khẩu hiệu hay phong trào. Đó là một phần trong nếp sống có trách nhiệm mà thầy cô và học sinh cùng vun đắp mỗi ngày.