Nhảy đến nội dung
 

Hành trình 8 năm để Hà Nội tiến tới cấm xe máy xăng ở nội đô

Sau 8 năm kể từ khi Nghị quyết số 04 được ban hành, Hà Nội đã và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu hạn chế, tiến tới cấm xe máy chạy xăng tại khu vực nội đô vào năm 2030 nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm, hướng tới một đô thị văn minh, xanh và bền vững.

Theo đó, Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND TP.Hà Nội đưa ra lộ trình giai đoạn 2017 - 2030, thành phố sẽ từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận cũ vào năm 2030.

Từ năm 2017 đến nay, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp mang tính nền tảng như đầu tư hệ thống giao thông công cộng, mở rộng mạng lưới xe buýt truyền thống… trong đó có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính vận hành vào năm 2021; tuyến Nhổn - ga Hà Nội vận hành vào tháng 8.2024. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý phương tiện, xây dựng đề án thu phí phương tiện vào nội đô…

Tuy nhiên, các giải pháp mang tính nền tảng chưa thực sự đem lại hiệu quả, cải thiện ô nhiễm môi trường cho thủ đô Hà Nội.

Số liệu thống kê của Sở TN-MT Hà Nội (nay là Sở NN-MT Hà Nội) cho thấy, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. PM2.5 trung bình năm của thành phố trong giai đoạn 2017 - 2020 đều vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và vượt hơn 8 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.

Trong đó, giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất, chiếm từ 58 - 74% tùy từng thời điểm (phương tiện phát thải chính là xe máy, tiếp đến là xe tải và taxi) và nguồn bụi đường.

Sẽ có chương trình đổi xe máy xăng dầu sang xe máy điện

Trước thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, tháng 12.2024, Hà Nội đã thông qua nghị quyết thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ). Nghị quyết nhấn mạnh trong giai đoạn 2025 - 2030, Hà Nội sẽ thí điểm chính sách này tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình (cũ) và khuyến khích nhân rộng sang các địa bàn khác. Sau năm 2031, việc thực hiện vùng LEZ sẽ là bắt buộc tại các khu vực có nguy cơ cao.

Những vùng LEZ sẽ phải áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo môi trường như: cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel; hạn chế hoặc cấm ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 đi vào vùng LEZ theo thời điểm hoặc khu vực.

Sau khi HĐND TP.Hà Nội thông qua nghị quyết lập vùng LEZ, hồi tháng 6 vừa qua, thành phố đã làm việc với các nhà sản xuất phương tiện để có chương trình giảm thiểu xe máy xăng dầu vào vùng LEZ.

Tại buổi làm việc với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, sự phát triển xe máy là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của các đô thị. Tại Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề do xe máy mang lại, dù nó cũng mang lại tiện lợi cho người dân.

Theo ông Thanh, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030". Do đó, không thể nói việc chuyển đổi xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện là một quyết định bất ngờ đối với người dân hay doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch này tại 4 quận nội đô cũ, với các bước tiến hành cụ thể và được cân nhắc kỹ lưỡng.

Ông Thanh đánh giá, việc sử dụng xe máy là một văn hóa của Việt Nam, vì thế việc chuyển đổi xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch cần có lộ trình. Tuy nhiên, nếu không quyết tâm thì không biết khi nào Hà Nội mới phát triển đô thị văn minh, sạch đẹp như các nước trên thế giới.

Theo Chủ tịch Hà Nội, nghị quyết lập vùng LEZ là tiền đề quan trọng để không khí thủ đô trong lành hơn, hạn chế xe cộ gây ô nhiễm môi trường. Để lập vùng LEZ, thành phố sẽ có chương trình giúp người sử dụng phương tiện đổi xe máy xăng dầu sang xe máy điện.

Ngoài việc hỗ trợ người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện, Hà Nội cũng đang tập trung nguồn lực hoàn thiện mạng lưới phương tiện giao thông công cộng. Theo lộ trình giai đoạn 2030 - 2035, Hà Nội sẽ xây dựng khoảng 10 tuyến đường sắt đô thị.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn