Nhảy đến nội dung

Hành trình 5 năm đẩy lùi bệnh dại tại Việt Nam của Boehringer Ingelheim

Hưởng ứng kế hoạch quốc gia của Chính phủ Việt Nam hướng tới mục tiêu "Không còn người chết vì bệnh dại vào năm 2030", Boehringer Ingelheim, phối hợp cùng với Trường Đại học Nông Lâm TP HCM và Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An, triển khai sáng kiến "Tiêm phòng dại vì cộng đồng" từ năm 2021.

Trong 5 năm triển khai, sáng kiến này tập trung vào các hoạt động như: tổ chức tiêm phòng dại miễn phí và tận nơi cho 33.000 chó và mèo tại các xã, huyện trong tỉnh. Huy động hơn 300 sinh viên và giảng viên chuyên ngành thú y từ Đại học Nông Lâm, phối hợp cùng đội ngũ thú y địa phương để triển khai tiêm phòng và truyền thông cộng đồng. Tổ chức các buổi sinh hoạt cho học sinh, sinh viên và các buổi hướng dẫn người dân cách xử lý khi bị chó cắn và nâng cao nhận thức về bệnh dại cũng như nguy cơ từ chính vật nuôi trong gia đình.

Ông Niklas Birkner, Tổng Giám đốc Công ty Thuốc Thú y Boehringer Ingelheim Việt Nam, chia sẻ, các chiến dịch tiêm phòng của công ty trong 5 năm qua đã chứng minh rằng khi động vật khỏe mạnh, con người cũng khỏe mạnh hơn.

Công ty này tin rằng, để loại trừ bệnh dại một cách bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp đến cộng đồng.

"Chúng tôi cam kết tiếp tục mang đến những giải pháp y tế tiên tiến, đồng thời không ngừng đồng hành cùng các đối tác để thúc đẩy nhận thức, lan tỏa hành động thiết thực và từng bước hiện thực hóa mục tiêu 'không còn ai tử vong vì bệnh dại vào năm 2030' của Chính phủ", đại diện Boehringer Ingelheim Việt Nam chia sẻ.

Với hơn 140 năm hoạt động trên thế giới, Boehringer Ingelheim là công ty dược phẩm sinh học hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người và thú y. Sáng kiến "Tiêm phòng dại vì cộng đồng" tại Việt Nam nằm trong khuôn khổ chiến dịch Đẩy lùi bệnh dại (Stop Rabies), một trong những chương trình quan trọng của doanh nghiệp này trên toàn cầu. Boehringer Ingelheim không chỉ tập trung vào cung cấp vaccine và các giải pháp chăm sóc sức khỏe vật nuôi mà còn hỗ trợ đào tạo cho các cán bộ thú y, người dân về vai trò quan trọng của việc tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi.

Bệnh dại là căn bệnh nguy hiểm, khi phát bệnh, người đã bị bệnh gần như tử vong 100%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới ghi nhận khoảng 59.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Theo Sách Trắng "Hướng tới một Đông Nam Á không còn bệnh dại" do Boehringer Ingelheim và Eco Business công bố năm 2023, một số yếu tố dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm bệnh dại tại khu vực bao gồm: số lượng lớn chó thả rông và chưa được tiêm phòng; tỷ lệ tiêm phòng vaccine ở thú cưng và vật nuôi thả rông còn thấp; hạn chế về nguồn lực và việc tiếp cận nguồn vaccine cho vật nuôi.

Dù đã đạt một số tiến bộ trong công tác phòng chống và đẩy lùi bệnh dại, Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm. Riêng năm 2024, cả nước ghi nhận 80 ca tử vong do bệnh dại, cao hơn 10 ca so với năm trước. Đáng chú ý, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), gần 500.000 người phải tiêm vaccine phòng dại với giá mỗi liều là 1,2 - 1,7 triệu đồng, ước tính người dân phải bỏ ra khoảng 600 tỷ đồng.

Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này đòi hỏi việc tăng cường vai trò của các bên liên quan trong thực hiện các giải pháp tổng thể phòng chống bệnh dại.

WHO khuyến nghị tỷ lệ tiêm phòng chó mèo cần đạt tối thiểu 70% ở các khu vực có nguy cơ để đảm bảo hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh dại lây sang người.

Theo Phó Giáo sư , Tiến sĩ Lê Quang Thông, Trưởng Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, bệnh dại hoàn toàn có thể kiểm soát và loại trừ, nếu có chiến lược tiếp cận bài bản và đồng bộ. Sự kết hợp giữa tiêm phòng diện rộng, truyền thông giáo dục cộng đồng và giám sát vật nuôi chính là chìa khóa để tạo ra những thay đổi tích cực về thái độ của người nuôi.

Thế Đan