'Hành rào xanh' châu Âu tác động trực tiếp đến doanh nghiệp Việt Nam

TPO - Vai trò đặc biệt của DN nhỏ và vừa trong chuyển đổi xanh, đồng thời kêu gọi hỗ trợ thiết thực thông qua đào tạo kỹ năng số, tích hợp công cụ quản trị, truy xuất nguồn gốc xanh và hỗ trợ tham gia các sàn thương mại điện tử xanh. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức tiêu dùng của người dân, một lực đẩy quan trọng giúp DN có động lực xanh hóa sản phẩm.
Ngày 1/7, tại Diễn đàn thương mại xanh 2025 do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng UBND TPHCM và các đơn vị đồng hành tổ chức, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn Đại học Quốc gia TPHCM - nhận định, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn nếu DN muốn tồn tại và hội nhập.
“Việt Nam đã bước đầu xây dựng cơ chế thử nghiệm về kinh tế tuần hoàn - một trong những nền tảng để khơi thông điểm nghẽn chính sách, nhất là về đất đai, vốn, nhân lực và đổi mới công nghệ” - ông Quân nói.
![]() |
Toàn cảnh diễn đàn. |
Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, phần lớn DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vốn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế tư nhân đang gặp khó khăn khi tiếp cận các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Có tới 73% DN được khảo sát cho rằng việc thiếu các quy định rõ ràng và minh bạch là một trong những trở ngại lớn nhất trong quá trình chuyển đổi.
Ngoài rào cản thể chế, các DN tư nhân còn đối mặt với thực tế thiếu vốn đầu tư, công nghệ lạc hậu và năng lực tổ chức hạn chế. Không ít DN chưa có định hướng rõ ràng về chuyển đổi xanh, trong khi vai trò của người lãnh đạo, yếu tố quyết định cho sự thay đổi vẫn chưa được phát huy đúng mức.
Chia sẻ trực tuyến từ Trường Luật Harvard (Hoa Kỳ), ông Nicolas Lockhart - Viện Nghiên cứu thương mại thế giới - cảnh báo - các tiêu chuẩn xanh tại thị trường quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) ngày càng khắt khe. Các sản phẩm muốn tiếp cận thị trường này không chỉ cần đáp ứng chất lượng, mà còn phải minh bạch chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc, đánh giá tác động môi trường và xã hội.
Thỏa thuận xanh châu Âu và cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ tác động trực tiếp đến các DN Việt Nam, dù họ có trực tiếp xuất khẩu hay chỉ tham gia chuỗi cung ứng cho đối tác châu Âu. Báo cáo ESG không chỉ là hình thức mà cần phải trung thực, có kiểm chứng và cập nhật thường xuyên. Thực tế này buộc DN Việt phải chủ động thay đổi, từ sản phẩm cho đến tư duy tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, để thay đổi, họ cần một “lộ trình chuyển đổi xanh” rõ ràng và có thể thực thi, thay vì chỉ dừng ở khẩu hiệu. DN nào không kịp thích ứng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Ông Lockhart lưu ý, DN Việt cần xác định rõ những quy định nào sẽ tác động đến mình, lập lộ trình tuân thủ và chủ động rà soát sản phẩm theo các tiêu chí xanh của quốc tế.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng (giữa) và các đại biểu công bố Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B xanh đầu tiên của Việt Nam và Triển lãm 3D “NoCarbon City” |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, Chính phủ đang hoàn thiện thể chế pháp lý cho thương mại xanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới và phát triển chuỗi cung ứng carbon thấp. Đặc biệt, kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030 cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể về phát triển xanh như giảm bao bì nhựa trong thương mại điện tử xuống còn tối đa 45%; 50% bao bì sử dụng vật liệu tái chế; 40% DN ứng dụng năng lượng sạch trong logistics…
Theo bà Thắng, điểm sáng đáng chú ý tại Diễn đàn là việc công bố Sàn giao dịch B2B xanh và triển lãm số 3D EcoHub XPO - nền tảng kết nối DN trong chuỗi cung ứng xanh, giúp tiết kiệm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bà Thắng nhấn mạnh vai trò đặc biệt của DN nhỏ và vừa trong chuyển đổi xanh, đồng thời kêu gọi hỗ trợ thiết thực thông qua đào tạo kỹ năng số, tích hợp công cụ quản trị, truy xuất nguồn gốc xanh và hỗ trợ tham gia các sàn thương mại điện tử xanh. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức tiêu dùng của người dân, một lực đẩy quan trọng giúp DN có động lực xanh hóa sản phẩm.