Hàng trăm nghìn hạt vi nhựa len lỏi vào cơ thể người Việt mỗi năm: Từ 3 con đường không thể tránh nổi

Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia tiêu thụ và thải nhựa nhiều nhất khu vực với hàng triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ phơi nhiễm vi nhựa ở mức đáng báo động.
Những con số cảnh báo
Rác thải bao bì nhựa đang trở thành một trong những vấn đề môi trường cấp bách tại Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 3,9 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ 10–15% trong số đó được thu gom và tái chế. Đáng chú ý, bao bì nhựa chiếm phần lớn trong số này, gây áp lực nghiêm trọng lên hệ thống xử lý rác thải.
Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, rác thải nhựa còn là nguồn phát thải vi nhựa lớn, đe dọa sức khỏe con người.
Vi nhựa – hiểm họa vô hình
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng, vi nhựa (microplastics) là những mảnh nhựa nhỏ có kích thước dưới 5mm, với khả năng thẩm thấu sinh học cao. Việc ăn uống, hít thở hay sử dụng sản phẩm tiêu dùng hiện đại đồng nghĩa với việc phơi nhiễm vi nhựa liên tục, có thể lên tới hàng trăm nghìn hạt mỗi năm.
Thuật ngữ “microplastic” xuất hiện từ năm 2004, nhưng phải đến sau 2010, các nghiên cứu mới dần làm rõ quy mô và tác động của chúng. Đặc biệt, các phát hiện vi nhựa trong mẫu phân (2018) và trong máu người (2022) đã dấy lên mối lo ngại lớn trong giới y khoa.
3 con đường vi nhựa xâm nhập cơ thể
Bác sĩ Hoàng cho biết, vi nhựa có thể xâm nhập cơ thể qua ba con đường chính:
Trong đó con đường phơi nhiễm chính là đường tiêu hóa – chiếm tỷ lệ lớn nhất. Bác sĩ Hoàng cho biết, vi nhựa được xác định có nhiều trong nước đóng chai (PET): chứa trung bình 240.000 hạt/lít – 90% là hạt nano; Thực phẩm: Cá, hải sản, muối, rau, trái cây – hấp thụ từ nước tưới, đất, chuỗi thức ăn; Bao bì thực phẩm: Vi nhựa thẩm thấu từ màng bọc, hộp nhựa vào đồ ăn.
Con đường thứ 2 vi nhựa vào cơ thể là hô hấp. Vi nhựa siêu nhỏ từ quần áo tổng hợp, thảm, rèm cửa bay trong không khí – hít vào phổi. Vi nhựa có thể lưu lại mô phổi – được phát hiện trong mẫu mô phổi sống.
Một con đường vi nhựa vào cơ thể khác là tiếp xúc (da, khoang miệng) – ít được chú ý. Vi nhựa có trong các sản phẩm có microbeads (kem đánh răng, mỹ phẩm); Bàn chải răng và dùng chỉ nha khoa chứa PTFE (Teflon).
Tác động sinh học và nguy cơ sức khỏe
Vi nhựa có thành phần chính là polyme, nhưng thường đi kèm hàng trăm phụ gia độc hại như BPA, phthalates, chất tạo màu, chất chống cháy... Nhiều chất trong số này đã được xác định hoặc nghi ngờ là chất gây rối loạn nội tiết, độc thần kinh hoặc ung thư.
Ngoài ra, bề mặt vi nhựa dễ hấp phụ thêm các độc tố môi trường như kim loại nặng (chì, thủy ngân) và polychlorinated biphenyls (PCBs).
Các tác động sinh học đã được ghi nhận bao gồm: tổn thương tế bào ruột, gan, phổi và cơ quan sinh sản.
Nghiên cứu tại Hà Lan cho thấy 77% người tham gia có vi nhựa trong máu, và vi nhựa cũng được phát hiện trong mạch vành của bệnh nhân tử vong do nhồi máu cơ tim, đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về mối liên hệ giữa vi nhựa và bệnh tim mạch.
Vi nhựa không còn là một nguy cơ lý thuyết mà đã trở thành một phần của thực tế sinh học. Chúng ta đang mang nhựa trong người – từ máu, ruột đến gan, nhau thai. Mặc dù các bằng chứng dịch tễ học trên người còn đang phát triển, sự tích lũy hạt nhựa và hóa chất đi kèm là một rủi ro không thể bỏ qua. Do đó, con người cần phải hạn chế tiêu dùng các sản phẩm nhựa.
Giảm phơi nhiễm vi nhựa
Trước thực trạng con người có thể "nuốt" hàng trăm nghìn hạt vi nhựa mỗi năm, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng khuyến nghị cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu phơi nhiễm – từ thay đổi hành vi cá nhân đến điều chỉnh chính sách vĩ mô.
Ở cấp độ cá nhân: thay đổi từ những thói quen nhỏ: Không tái sử dụng chai nhựa, đặc biệt khi đã qua tiếp xúc với ánh nắng; Tránh hâm nóng thực phẩm trong hộp nhựa bằng lò vi sóng; Ưu tiên dùng trà lá rời, pha trong ấm thủy tinh, inox hoặc thép không gỉ; Sử dụng bàn chải tre và chỉ nha khoa từ tơ tằm, không chứa PFAS; Hạn chế nhai kẹo cao su, lựa chọn xylitol nếu cần thiết; Mang theo cốc cá nhân bằng thủy tinh, gốm hoặc kim loại để tránh tiếp xúc với nhựa dùng một lần.
Ở cấp độ cộng đồng: Cần truyền thông và thay đổi môi trường sống, tăng cường truyền thông về vi nhựa một cách dễ hiểu, chính xác và có ví dụ minh họa rõ ràng. Các cơ sở công cộng như trường học, bệnh viện cần từng bước loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần.
Ở cấp độ chính sách: Cần thiết lập giới hạn hàm lượng vi nhựa tối đa trong nước đóng chai và thực phẩm; Ban hành lệnh cấm microbeads trong mỹ phẩm, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các vật liệu sinh học như PLA vốn không thực sự phân hủy trong điều kiện tự nhiên; Yêu cầu minh bạch thành phần trong bao bì thực phẩm, túi lọc trà và chỉ nha khoa; Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn nhựa bằng cách nâng cao hiệu quả tái chế, đồng thời giảm sản lượng nhựa nguyên sinh.