Hàng loạt xe đứng trước nguy cơ phải dừng bán tại Việt Nam nếu áp chuẩn nhiên liệu mới

Nhiều mẫu ô tô quen thuộc tại thị trường Việt Nam đứng trước nguy cơ bị khai tử, dừng bán từ năm 2030 nếu các chính sách siết chặt kiểm soát tiêu thụ nhiên liệu được áp dụng.
Theo kết luận rút ra từ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải (ITST) phối hợp thực hiện, "sẽ có đến 97% các kiểu loại xe động cơ đốt trong ICE buộc phải dừng sản xuất, nhập khẩu do không đạt hạn mức đề ra".
Giảm mức tiêu thụ nhiên liệu của xe mới bán ra
Theo quyết định 876/QĐ-TTg ban hành ngày 22-7-2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt lộ trình giảm tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Tiếp đó ngày 30-9-2024, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) ban hành quyết định 1191/QĐ-BGTVT, trong đó đưa ra "Biện pháp E17" nhằm thiết lập giới hạn tiêu thụ nhiên liệu đối với toàn bộ xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Mục tiêu tiêu thụ nhiên liệu cụ thể áp dụng từ năm 2030 như sau:
- Xe máy: không quá 2,3 lít/100km
- Ô tô con dưới 1.400cc: 4,7 lít/100km
- Ô tô dung tích 1.400 - 2.000cc: 5,3 lít/100km
- Ô tô trên 2.000cc: 6,4 lít/100km
Có thể thấy mức tiêu thụ nhiên liệu mới thấp hơn đáng kể so với phần lớn các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE) hiện đang lưu hành trên thị trường.
Hai phương pháp kiểm soát tiêu thụ nhiên liệu
Hiện có hai phương án kiểm soát mức tiêu thụ nhiên liệu đang được cân nhắc là MEPS và CAFC.
Phương án MEPS áp dụng giới hạn tiêu thụ nhiên liệu tối đa cho từng dòng xe, căn cứ theo dung tích động cơ. Theo đó, mẫu xe không đáp ứng chuẩn sẽ không được phép phân phối trên thị trường, bất kể sản lượng.
Trong khi đó, phương án CAFC tính toán mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của toàn bộ danh mục xe mà một hãng cung cấp. Cách tiếp cận này cho phép nhà sản xuất linh hoạt hơn khi vẫn có thể bán xe tiêu thụ nhiên liệu cao, miễn là được bù trừ bằng các mẫu xe tiết kiệm hơn, từ đó đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường.
Ông Trần Quang Hà, phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết bộ đã giao Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng bộ tiêu chuẩn mới để doanh nghiệp "soi chiếu", chuẩn bị trước khi bộ quy chuẩn bắt buộc chính thức được ban hành.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia và tổ chức khuyến nghị nên lựa chọn cách tiếp cận CAFC vì tính linh hoạt, ít gây thiệt hại hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Những mẫu xe nào có nguy cơ bị dừng bán?
Theo nghiên cứu của CIEM và ITST, nếu Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn MEPS, khoảng 97% các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE) hiện nay sẽ buộc phải dừng sản xuất hoặc ngừng nhập khẩu. Điều này có thể khiến sản lượng xe trên thị trường sụt giảm tới 77% mỗi năm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng kịch bản này có thể gây thiệt hại lên tới 574.000 tỉ đồng GDP và làm giảm khoảng 377.000 tỉ đồng nguồn thu ngân sách.
Trong khi đó nếu áp dụng phương án CAFC, tác động kinh tế sẽ thấp hơn nhiều, với mức giảm ước tính chỉ khoảng 73.000 tỉ đồng GDP và 38.000 tỉ đồng thu ngân sách.
Theo ông Đào Công Quyết - Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nếu triển khai MEPS, chỉ những dòng xe điện (BEV), hybrid tự sạc (HEV) hoặc hybrid sạc ngoài (PHEV) mới có khả năng đáp ứng yêu cầu, trong khi phần lớn xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống sẽ không đạt chuẩn.
Thực tế cho thấy nhận định trên là có cơ sở. Đối chiếu với thông số tiêu thụ nhiên liệu mà các hãng xe công bố tại Việt Nam, nhiều mẫu xe hiện hành đều khó lòng đáp ứng được ngưỡng MEPS.
Đơn cử mẫu SUV cao cấp Toyota Land Cruiser với dung tích động cơ 3.445cc có mức tiêu thụ nhiên liệu thấp nhất cũng đã lên tới 9,56 lít/100km - cao hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn MEPS là 6,4 lít/100km áp dụng cho ô tô trên 2.000cc.
Tương tự, Ford Everest - mẫu SUV máy dầu bán chạy nhất tại Việt Nam, sở hữu động cơ 1.996cc - cũng có mức tiêu thụ từ 6,8 lít/100km, vượt chuẩn đề ra.
Ngay cả ở phân khúc phổ thông, Mitsubishi Xpander với động cơ 1.499cc có mức tiêu thụ từ 6 lít/100km cũng vượt quá tiêu chuẩn. Tuy nhiên, phiên bản hybrid đang được bán tại Thái Lan có thể là cơ hội để Xpander tiếp tục cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, nhiều dòng xe phổ thông hiện nay đã bắt đầu chuyển hướng sang tích hợp công nghệ hybrid như một giải pháp thích nghi với các tiêu chuẩn mới ở nhiều quốc gia khác.