Hàng loạt cơ sở y tế bị xử phạt vì người hành nghề không đăng ký

Hiện tình trạng người hành nghề khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nhưng không đăng ký hành nghề với cơ quan chức năng ngày càng phổ biến, giống như hành vi khám chữa bệnh 'chui' cần xử phạt răn đe.
Ngày 23.5, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa ban hành loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh.
Đáng chú ý, trường hợp ông H.T.T (cơ sở ở số 22 đường Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10), bị xử phạt 80 triệu đồng do cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động và thực hiện quảng cáo trái phép. Cơ sở của ông T. bị đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh trong thời gian 18 tháng. Ông T.P.H cũng bị xử phạt 35 triệu đồng vì hành vi khám chữa bệnh mà không có chứng chỉ hành nghề.
Cũng tại số 22 đường Ba Tháng Hai, hộ kinh doanh Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Thái Sơn do ông T.H.H làm chủ bị xử phạt 26,5 triệu đồng với các lỗi: quảng cáo không phép, lập sổ khám chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ, và không niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh. Ngoài ra, ông P.D.H làm việc ở cơ sở này cũng bị xử phạt 2 triệu đồng, đồng thời bị tước chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trong 2 tháng do vi phạm quy định về lập hồ sơ bệnh án.
Tại địa chỉ 70 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, Công ty CP JangShi Luxury bị xử phạt 57 triệu đồng với các lỗi: quảng cáo không phép, người hành nghề không đăng ký hành nghề, và không lập sổ khám chữa bệnh theo quy định.
Công ty TNHH thẩm mỹ NEWKUMHO (402 An Dương Vương, phường 4, quận 5) bị xử phạt 68 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong 2 tháng. Cơ sở này vi phạm hàng loạt lỗi: người hành nghề không đăng ký hành nghề, không thực hiện đầy đủ biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, và quảng cáo không phép.
Tại 104 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1, hộ kinh doanh OSHUN BEAUTY bị xử phạt 60 triệu đồng do sử dụng thuốc, các chất và thiết bị can thiệp vào cơ thể người trái phép. Nhân viên L.T.Y.L của công ty này cũng bị xử phạt riêng 35 triệu đồng do khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, toàn thành phố hiện có 37 bệnh viện thẩm mỹ; 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện; 290 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; 414 phòng khám chuyên khoa da liễu.
Ngoài ra, TP.HCM còn có tới 3.891 cơ sở dịch vụ phi y tế như spa, chăm sóc da...
Qua công tác thanh tra, Sở Y tế TP.HCM đã thống kê một số hành vi vi phạm phổ biến tại các cơ sở khám chữa bệnh và thẩm mỹ, bao gồm: hành nghề khi chưa có chứng chỉ hành nghề, không đăng ký hành nghề cung cấp dịch vụ không phép, hành nghề vượt phạm vi chuyên môn; sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề.
Bên cạnh đó còn có các hành vi cũng phổ biến là không đảm bảo điều kiện vô trùng, dùng thuốc không rõ nguồn gốc, quảng cáo sai sự thật, lấn sân sang các dịch vụ thẩm mỹ trái phép.