Hamas trước nguy cơ diệt vong

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết định tấn công trở lại Dải Gaza dường như nhằm diệt vong lực lượng Hamas.
Hôm qua (19.5), tờ The Guardian dẫn lời Thủ tướng Netanyahu tuyên bố quân đội Israel sẽ "kiểm soát hoàn toàn" Dải Gaza vốn đang trong tay Hamas.
Ý chí của Tel Aviv
Tuy nhiên, ông Netanyahu cũng khẳng định Israel không để người dân Gaza chìm trong nạn đói vì cả lý do "thực tế" lẫn "ngoại giao". Ông khẳng định sẽ đánh bại hoàn toàn lực lượng Hamas.
Trước đó, ngày 18.5, Israel bắt đầu tấn công trên bộ ở quy mô lớn nhằm vào Gaza để loại bỏ hoàn toàn lực lượng Hamas và giải cứu toàn bộ con tin bị Hamas bắt giữ khi tấn công Israel hồi tháng 10.2023.
Hành động của Israel diễn ra trong bối cảnh đàm phán giữa Mỹ và Iran về vấn đề hạt nhân đang rơi vào thế khó. Reuters dẫn lời Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào giữa Washington và Tehran đều phải có điều khoản Iran không làm giàu uranium. "Chúng tôi có lằn ranh đỏ rất rõ ràng. Đó là Iran không được phép làm giàu uranium dù khả năng chỉ là 1%", ông Witkoff tuyên bố khi trả lời trên chương trình "This Week" của Đài ABC. Ông cho rằng nếu làm giàu uranium thì Iran có thể vũ khí hóa.
Đáp trả lại, Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi chỉ trích: "Những đòi hỏi không thực tế đang cản trở cuộc đàm phán. Việc Iran làm giàu uranium là không thể cản trở". "Tôi nghĩ ông ấy thiếu thực tế khi đàm phán", Ngoại trưởng Araqchi nói về Witkoff, đồng thời khẳng định Tehran sẽ tiếp tục việc làm giàu uranium.
Hamas "giữa muôn trùng vây"
Trả lời Thanh Niên hôm qua (19.5), chuyên gia tình báo quân sự Carl O.Schuster (đang giảng dạy ở Đại học Hawaii - Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử) đánh giá: "Cuộc chiến ở Gaza đang bước vào giai đoạn cuối cùng - có lẽ kéo dài không quá 6 tháng. Hamas đang cố gắng tồn tại. Lãnh đạo lực lượng này đã thả con tin người Mỹ cuối cùng với hy vọng Washington sẽ gây sức ép buộc Tel Aviv phải duy trì lệnh ngừng bắn. Từ đó, Hamas muốn có cơ hội để tái thiết lực lượng trong một vài năm nữa". Thời gian qua, sự tấn công của Israel khiến cho Hamas - giữa bối cảnh thiếu sự hỗ trợ từ Iran và đồng minh - ngày càng khó khăn, thậm chí bị cho là kiệt quệ về nguồn lực.
"Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu có lẽ muốn nhân cơ hội để loại bỏ hoàn toàn lực lượng Hamas. Vì thế, Tel Aviv không muốn đồng ý lệnh ngừng bắn vốn có thể giúp Hamas tái thiết, tái triển khai lực lượng và nhóm lãnh đạo của Hamas có thể rời khỏi các khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, nhận ra rằng Hamas đã mất đi sự ủng hộ chính trị ở Gaza và hầu như không còn sức mạnh quân sự, một số lực lượng chính trị Palestine nhìn thấy cơ hội giành lại quyền kiểm soát Gaza thông qua hợp tác với Tel Aviv", chuyên gia Schuster đánh giá, đồng thời nhận định: "Các lệnh trừng phạt của Tổng thống Trump đối với Iran đã khiến Tehran bị hạn chế khả năng hỗ trợ tài chính lẫn quân sự cho Hamas. Cùng lúc, các chiến dịch không kích của Mỹ nhằm vào nguồn lực của Houthi ở Yemen cũng làm suy yếu lực lượng này, nên Hamas mất đồng minh "chia lửa". Hezbolla - một lực lượng thân Hamas - tình hình cũng không khá hơn. Còn Syria thì hiện bị kiểm soát bởi người Sunni - vốn thù địch với Iran".
Vị chuyên gia phân tích thêm: "Các quốc gia Ả Rập trong khu vực có lẽ cũng nhìn thấy ảnh hưởng của Iran cùng đồng minh đang giảm. Cùng lúc, chính sách ngoại giao của Washington đối với Trung Đông hiện làm giảm căng thẳng giữa Tel Aviv với thế giới Ả Rập. Nên Hamas đang nhận được ít sự ủng hộ từ Ả Rập".
Mặc dù vậy, chính quyền Tel Aviv chưa hẳn hoàn toàn thuận lợi. "Thủ tướng Netanyahu cũng phải đối mặt với giới hạn về thời gian. Người dân Israel đang trải qua cuộc xung đột kéo dài nên họ mệt mỏi. Thủ tướng Netanyahu phải chấm dứt chiến đấu trước khi kết thúc năm nay, nếu không một số thành viên trong liên minh cầm quyền của ông sẽ từ bỏ ông", cựu đại tá Schuster chỉ ra.