Nhảy đến nội dung

Hai nước EU chỉ trích kế hoạch ‘đoạn tuyệt’ năng lượng và khí đốt Nga là ‘tự kết liễu kinh tế’, tuyên bố làm mọi cách để bác bỏ

Ngày 7/5, Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch loại bỏ nhập khẩu năng lượng Nga từ năm 2027.

Slovakia và Hungary phản đối kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC) về việc loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng từ Nga từ 2027.

Ngày 7/5, EC công bố kế hoạch dần loại bỏ nhập khẩu khí đốt Nga từ nay đến cuối năm 2027. Cơ quan này sẽ đề xuất các biện pháp pháp lý với nghị viện vào tháng tới  để loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.

Ủy viên Năng lượng EU Dan Jorgensen cho biết với các biện pháp này, EU sẽ không để vấn đề năng lượng tiếp tục bị khai thác như một công cụ gây sức ép, và cũng không muốn các quốc gia thành viên rơi bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Phản ứng trước động thái trên, Thủ tướng Slovakia, Robert Fico, cho biết các biện pháp này là “không thể chấp nhận được” đối với chính phủ Slovakia và sẽ tác động đến giá năng lượng trong EU, từ đó giảm khả năng cạnh tranh của khối.

“Đây đơn giản là hành động tự sát về mặt kinh tế khi mà cả nguồn cung khí đốt, năng lượng hạt nhân hay dầu mỏ bị cắt đứt chỉ vì một bức màn sắt mới được dựng lên giữa thế giới phương Tây và Nga cùng các quốc gia khác”, ông Fico nhấn mạnh.

Ông cho biết Slovakia sẽ nỗ lực để thay đổi tiến trình lập pháp đối với kế hoạch trên.

Đồng tình với nhà lãnh đạo Slovakia, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary, Peter Szijjarto, nhấn mạnh kế hoạch trên vi phạm chủ quyền của các quốc gia thành viên EU khi tước đi quyền lựa chọn nguồn cung năng lượng của họ.

“Việc loại bỏ nguồn cung năng lượng Nga sẽ khiến giá cả ở châu Âu tăng mạnh, gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền của các nước châu Âu và gây ra những khó khăn lớn cho các công ty châu Âu”. Ông cũng nói thêm rằng “những gì được công bố là hoàn toàn điên rồ”.

Ngoại trưởng Hungary cho biết nước này sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhất để phản đối kế hoạch này.

Hungary nhập khẩu hơn 80% lượng khí đốt từ Nga qua đường ống. Slovakia cũng phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt và dầu mỏ từ Nga.

Các đề xuất pháp lý của EC sẽ cần có sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu và đa số các quốc gia thành viên, nghĩa là không 1 hoặc 2 quốc gia nào có thể ngăn chặn các kế hoạch này.

Khoảng 19% lượng khí đốt của châu Âu vẫn đến từ Nga thông qua đường ống TurkStream và các lô hàng LNG, giảm so với mức khoảng 45% trước năm 2022. Năm ngoái, 10 trong số 27 thành viên của khối đã nhập khẩu khí đốt Nga.

Tham khảo: Reuters, RT