Hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê

Trở lại sau 50 năm xa cách
Ngày 14/6/1957, sau nửa thế kỷ bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu trở về thăm quê nhà tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Hồ sơ lưu tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, Tỉnh ủy Nghệ An ghi lại rằng khi đến thành phố Vinh, dù được lãnh đạo tỉnh mời nghỉ tại nhà khách, Bác nói: "Xa nhà, xa quê đã lâu rồi, Bác phải về thăm nhà trước".
Trong bộ quần áo kaki giản dị và đôi dép cao su quen thuộc, Bác trở về ngôi nhà xưa, nơi gắn bó với tuổi thơ. Vừa bước vào sân, Bác đứng lặng hồi lâu, ngắm khung cảnh thân thuộc. Thời điểm ấy, người thân của Người đều đã mất, chỉ còn vài họ hàng xa. Khi hàng xóm kéo đến chào hỏi, Bác xúc động ôm ông Hoàng Điền, người bạn thuở chăn trâu, thả diều, rồi bật khóc. Bác cũng đến giếng Cốc - nơi từng gánh nước về cho gia đình, rồi thăm hỏi, động viên những người dân nghèo trong xã.
GS Mạch Quang Thắng, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định đó là lần trở về đầy cảm xúc. Sau bao gian khổ, Người trở lại nơi chôn rau cắt rốn khi đất nước đã giành độc lập. Tâm trạng Bác lúc ấy là sự pha trộn giữa niềm vui và ký ức.
Tại Hội nghị đại biểu nhân dân Nghệ An, nơi có đủ thành phần đại diện từ phụ lão, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, phụ nữ, thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động đọc câu thơ: "Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình".
Người nói "đã lâu về đến quê hương thì thường tình người ta tủi tủi, mừng mừng. Còn Bác không thấy tủi tủi, chỉ thấy mừng mừng". Mừng vì ngày ra đi đất nước còn trong ách thực dân, nhân dân là nô lệ; nay trở lại, đất nước đã độc lập, người dân trở thành công dân tự do, làm chủ quê hương, đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương Nghệ An vì đóng góp to lớn trong kháng chiến: hơn 8 vạn thanh niên nhập ngũ, trên một triệu dân quân phục vụ chiến đấu, 96 tập thể và cá nhân được Chính phủ khen thưởng. Nhưng Người cũng nhấn mạnh: "Trong kháng chiến, đồng bào cố gắng rồi, bây giờ cũng phải cố gắng trong hòa bình, xây dựng nước nhà trên mọi lĩnh vực".
Nói về giáo dục, Bác nhắc "tỉnh ta có hơn 7 vạn học sinh. Thế là khá, nhưng trong đó chỉ có 32 học sinh gái ở cấp 3 và 865 ở cấp 2 là quá ít. Các cháu phải cố gắng. Cha mẹ đừng tiếc công mà giữ con cái ở nhà không cho các cháu đi học". Bác cũng nhấn mạnh: từ học tốt sẽ lao động tốt; công nghiệp và nông nghiệp đều cần người lao động có trình độ văn hóa, để kinh tế nước nhà tiến lên.
Bác cũng đề cập nhiều nhiệm vụ cho tỉnh Nghệ An, như xây dựng nhà máy và công trình thủy lợi để phục vụ nông nghiệp, chú ý tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Chính quyền cần làm tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt chú ý quan tâm đến thương binh - những người đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ Tổ quốc.
Kết thúc buổi nói chuyện, Bác hỏi: "Tỉnh ta có truyền thống cách mạng rất vẻ vang. Tôi xin hỏi đồng bào có thi đua với các tỉnh khác, xây dựng để tỉnh ta thành một tỉnh gương mẫu không? Đồng bào có cố gắng được không?". Cả hội trường vang lên câu đồng thanh: "Thưa Bác, xin quyết tâm".
Gắn kết lòng dân
Tháng 12/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về quê lần thứ hai, trong một chuyến công tác đã được lên kế hoạch. Khi vừa xuống sân bay Vinh, Bác không lên xe hoa đón sẵn, mà chọn ngồi ghế trước trên xe của bộ phận bảo vệ để có thể vẫy chào người dân hai bên đường.
Tại nhà khách Tỉnh ủy, đến bữa, Bác lấy gói cơm độn ngô mang theo ra ăn trước rồi mới dùng bữa tỉnh chuẩn bị. Sau đó, Bác về làng Hoàng Trù quê ngoại để gặp lại họ hàng, bà con, trong đó có ông Luốc (tên khác là Thuyên) - người bạn thuở thiếu thời thường rủ nhau đi câu cá.
Trên hành trình từ ngày 8 đến 11/12, Bác đến thăm nhiều huyện, nói chuyện với cán bộ, nhân dân. Tại xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành), thấy trời nắng gắt, một cán bộ định che ô cho Bác. Người gạt ra, chỉ vào đám đông và hỏi "chú có đủ ô che hết nắng cho bà con không? Mọi người chịu được nắng, sao Bác lại không chịu được?".
Giống lần trước, Bác dành nhiều quan tâm cho giáo dục và thiếu nhi. Khi phát kẹo cho các em ở xã Vĩnh Thành, Bác căn dặn cô giữ trẻ "muốn chăm sóc tốt các cháu thì trước hết cần có tình thương, mà các cháu thì lúc nào cũng dễ thương cả". Bác cũng nhắn học sinh phải biết gìn giữ những cây xanh do thế hệ trước trồng.
Tại Trường Sư phạm miền núi Nghệ An, Người căn dặn môi trường sư phạm phải trong lành, chuẩn mực, phải chăm lo cho học sinh từ những điều nhỏ nhất. Khi nói chuyện với hàng vạn người dân xã Kim Liên, Bác nhắc "đừng để các cháu thiếu nhi gầy gò, ốm yếu, đau mắt hột".
Tại các buổi nói chuyện với chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải đẩy mạnh thủy lợi để phát triển nông nghiệp. Về công nghiệp, công nhân và cán bộ cần hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Thương nghiệp cần làm đúng chính sách, tính toán sao cho "Nhà nước và nhân dân đều có lợi".
Trước khi rời quê hương, Bác căn dặn Nghệ An đất rộng, tài nguyên phong phú, nhân dân có truyền thống anh dũng và cần cù. Đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm phấn đấu xây dựng thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc. Làm được vậy là góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xã hội chủ nghĩa và thống nhất nước nhà.
GS Mạch Quang Thắng đánh giá trong cả hai lần trở về quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ thái độ công bằng, không thiên vị, không ưu ái Nghệ An vì là nơi chôn nhau cắt rốn. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện rõ: tình yêu quê hương luôn gắn liền với lợi ích chung của dân tộc, với trách nhiệm dựng xây Tổ quốc.
Đức Hùng - Viết Tuân