Habemus Papam! Chúng ta đã có Giáo hoàng!

Làn khói trắng thiêng liêng đã xuất hiện tại ống khói Nhà nguyện Sistine vào khoảng hơn 23h (theo giờ Việt Nam), báo hiệu các Hồng y cử tri đã bầu chọn được tân Giáo hoàng - người đứng đầu Giáo hội Công giáo hoàn vũ.
Hơn 18h ngày 8-5 (tức hơn 23h theo giờ Việt Nam), hàng chục ngàn người ở Quảng trường Thánh Peter như vỡ òa trong tiếng hò reo hòa lẫn từng nhịp chuông ngân từ Vương cung Thánh đường Thánh Peter khi trông thấy làn khói trắng xuất hiện - tín hiệu thiêng liêng báo hiệu Giáo hội đã có tân Giáo hoàng.
Giờ đây, hàng ngàn người có mặt ở Quảng trường Thánh Peter cùng hàng triệu người đang theo dõi qua màn hình đang nín thở chờ đợi vị Hồng y nào được chọn làm tân Giáo hoàng.
Sau 4 vòng bỏ phiếu, vị Giáo hoàng thứ 267 đã được chọn. Ngài sẽ trở thành người dẫn dắt “đoàn chiên của Thiên Chúa”, là người lãnh đạo hơn 1,4 tỉ tín hữu Công giáo trên toàn thế giới.
Dưới nắng chiều nhè nhẹ ở Vatican, đám đông đồng loạt vỗ tay và reo mừng: "Viva il Papa!" (Đức Giáo hoàng muôn năm!).
Tân Giáo hoàng có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào
Mọi ánh mắt hiện đang hướng về phía ban công chính của Vương cung Thánh đường Thánh Peter, nơi tân Giáo hoàng sẽ lần đầu tiên ra mắt công chúng.
Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ đã tiến đến và vào vị trí trước cổng Vương cung Thánh đường Thánh Peter.
Làn khói trắng đã hết và mọi người đều đang chờ đợi tân Giáo hoàng xuất hiện trên ban công. Theo truyền thống, tân Giáo hoàng sẽ xuất hiện trong khoảng 30 đến 60 phút sau tín hiệu khói trắng.
Tên Giáo hoàng mà ngài chọn sẽ được công bố. Sau đó ngài sẽ phát biểu ngắn gọn, đồng thời đọc một lời cầu nguyện.
Lễ đăng quang chính thức sẽ được tổ chức vài ngày sau khi ngài được bầu. Hai vị Giáo hoàng gần đây nhất đều cử hành lễ nhậm chức tại Quảng trường Thánh Peter.
Tổng thống Trump phản hồi tin có tân Giáo hoàng
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định: "Tôi đã thấy làn khói trắng, nhưng tôi chưa thấy Giáo hoàng".
"Tôi thấy khói, nhưng chưa thấy Giáo hoàng," ông Trump nói với các phóng viên trong Phòng Đông của Nhà Trắng.
Ông Trump trước đó đã vấp phải nhiều chỉ trích khi tài khoản chính thức của Nhà Trắng đăng một hình ảnh do AI tạo, trong đó tổng thống Mỹ mặc trang phục giống Giáo hoàng, ngay trước thềm mật nghị Hồng y.
Ba đời Giáo hoàng liên tiếp đều được bầu vào ngày thứ hai của Mật nghị
Trước hôm nay, cả hai vị Giáo hoàng tiền nhiệm gần đây nhất đều được chọn làm Giáo hoàng ở vòng bỏ phiếu thứ tư và thứ năm.
Trong kỳ Mật nghị năm 2005, Giáo hoàng Benedict được chọn ở vòng bỏ phiếu thứ tư và tại kỳ Mật nghị năm 2013, Giáo hoàng Francis được chọn ở vòng bỏ phiếu thứ năm.
Trên livestream của Vatican, đạo diễn ưu ái đưa lên hình ảnh nhiều tín hữu, giáo phẩm với vẻ ngoài đậm chất châu Á. Mật nghị Hồng y năm nay được xem là cơ hội có thể có Giáo hoàng gốc Á đầu tiên trong lịch sử, khi trong số những Hồng y hợp lệ có ba vị đến từ Philippines và Hàn Quốc.
Tên gọi của một vị Giáo hoàng mang ý nghĩa gì?
Một trong những điều được quan tâm nhất là tên sẽ được vị tân Giáo hoàng lựa chọn. Tên gọi ấy thường là dấu hiệu đầu tiên hé lộ phương hướng mục vụ mà triều đại Giáo hoàng của ngài có thể theo đuổi.
Không có quy tắc cố định nào, nhưng các Giáo hoàng thường nhìn về quá khứ để chọn một cái tên mang ý nghĩa cá nhân. Họ thường vinh danh một vị thánh hay một vị Giáo hoàng tiền nhiệm mà mình ngưỡng mộ, hoặc chọn một cái tên có giá trị đặc biệt đối với gia đình.
Giáo hoàng Francis là người đầu tiên chọn tên để vinh danh Thánh Francis Assisi, người nổi tiếng với đời sống khiêm nhường và lòng yêu thương người nghèo. Đây chính là những giá trị đã trở thành nền tảng trong triều đại Giáo hoàng của ngài.
Giáo hoàng John Paul II chọn tên mình để tưởng nhớ người tiền nhiệm John Paul I, người chỉ tại vị vỏn vẹn 33 ngày trước khi qua đời.
Việc chọn lại tên của một Giáo hoàng trong quá khứ có thể là sự tiếp nối những ưu tiên của người đi trước.
Ví dụ, nếu tân Giáo hoàng chọn tên John Paul III, ông có thể sẽ nhấn mạnh đến kỷ cương giáo lý và công bằng xã hội. Nếu lấy tên Pius XIII, ông có ngả về truyền thống. Trong khi đó, một Giáo hoàng mang tên John XXIV có khả năng sẽ theo xu hướng cải cách.
Tông hiệu của tân Giáo hoàng sẽ được công bố bằng tiếng Latin từ ban công Giáo hoàng tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter, do Hồng y trưởng đẳng phó tế người Pháp Dominique Mamberti công bố.