Nhảy đến nội dung
 

Hà Nội sẽ chỉ định lãnh đạo xã phường mới sau sắp xếp

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, Hà Nội sẽ chỉ định nhân sự lãnh đạo các xã phường mới sau sắp xếp, bao gồm lãnh đạo HĐND, UBND, cấp ủy.

Chiều 18.4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội (đơn vị số 10) đã tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh và Sóc Sơn trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Đức Mạnh (xã Tự Lập, H.Mê Linh) đề nghị Chủ tịch thành phố Hà Nội cho biết, khi bỏ cấp huyện thì thành phố đưa ra phương án sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư như thế nào? Chế độ chính sách đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi ra sao?

Giải đáp kiến nghị của cử tri, ông Mai Xuân Trường, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cho biết hiện thành phố không có chính sách riêng đối với cán bộ nghỉ hưu sớm do sắp xếp. Việc này sẽ thực hiện theo chính sách của Trung ương.

Về tổ chức bộ máy, Hà Nội sẽ chuyển toàn bộ biên chế cấp huyện xuống cấp xã, đồng thời cũng chuyển một số cán bộ cấp thành phố xuống xã. Số lượng biên chế sẽ được giữ nguyên trong 5 năm.

Trao đổi thêm với cử tri ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong chiều nay (18.4), thành phố tổ chức cuộc họp về phương án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn, với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành và UBND quận, huyện.

Theo ông Thanh, số lượng xã, phường là bao nhiêu sau sắp xếp là con số "rất nhạy cảm". Do vậy, khi chưa có phương án cuối cùng thì chưa thể công bố số lượng đơn vị hành chính cấp xã với cử tri.

Tuy nhiên, ông Thanh khẳng định, thành phố sẽ thực hiện đúng theo chỉ đạo của Trung ương, trong đó sẽ cố gắng giảm tối đa 70% xã, phường. "Trong cuộc họp chiều nay, thành phố sẽ chính thức chốt tên gọi và số lượng xã, phường trên địa bàn. Sau đó, các quận, huyện sẽ về lấy ý kiến nhân dân", ông Thanh nói.

Xã mới có diện tích không quá lớn, cũng không quá nhỏ

Ông Thanh cho biết thêm, theo tinh thần chỉ đạo, đơn vị hành chính cấp xã mới sau sáp nhập sẽ có diện tích không quá lớn, cũng không quá nhỏ. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã cũng sẽ được tính toán hợp lý nhất để thực hiện chức năng nhiệm vụ của thủ đô. Bởi nếu số lượng nhiều quá thì không quản nổi, còn số lượng ít quá thì cũng "xa dân".

Về công tác cán bộ, theo ông Thanh, Hà Nội sẽ chỉ định nhân sự lãnh đạo các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Theo đó sẽ lãnh đạo HĐND, UBND, cấp ủy, ban thường vụ, bí thư... "Vì thời gian rất gấp, chúng ta không thể có độ trễ nào, khoảng trống nào với người dân, doanh nghiệp", ông Thanh nói.

Về cán bộ dôi dư, ông Thanh cho biết, theo chỉ đạo của Trung ương, trước mắt "gộp lại", chỉ định các lãnh đạo, rồi sau đó "giảm dần" cán bộ trong vòng 5 năm.

Hiện Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn. Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thông qua HĐND các cấp về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.

Theo đó, tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến nhân dân là phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn mà hộ gia đình cư trú. Đối tượng lấy ý kiến là cử tri đại diện hộ gia đình thường trú trên địa bàn quận, huyện, thị xã.

Việc phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp cho đại diện hộ gia đình hoặc tổ chức hội nghị cử tri đại diện hộ để phát phiếu lấy ý kiến do UBND cấp xã quyết định (tùy theo điều kiện, địa phương lựa chọn hình thức phù hợp).

Nội dung lấy ý kiến là xin ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ hình thành trên địa bàn quận, huyện, thị xã; xin ý kiến về dự kiến tên gọi của các đơn vị hành chính mới.

UBND cấp xã quyết định thành lập các tổ lấy ý kiến nhân dân theo địa bàn thôn, tổ dân phố hoặc theo khu vực; thời gian hoàn thành chậm nhất ngày 19.4.

UBND cấp xã tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn gửi đến UBND quận, huyện, thị xã (qua Phòng Nội vụ), thời gian hoàn thành trong ngày 22.4.