Hà Nội quyết không để 'sót' cán bộ tốt khi sắp xếp xã, phường

Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, việc bố trí, sắp xếp cán bộ ở xã, phường mới phải 'vì việc tìm người', không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng.
Chiều 13.5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị nhằm hướng dẫn sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của thành phố.
Trăn trở làm thế nào để chọn đúng người, đúng việc
Tại hội nghị, nhiều bí thư quận ủy, huyện ủy đã nêu ý kiến về việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức… cho xã, phường mới theo Hướng dẫn số 9 do Thành ủy Hà Nội vừa ban hành.
Trong đó, theo Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên, trên địa bàn hiện có 339 cán bộ giữ chức phó chủ tịch xã, thị trấn và phó phòng H.Đông Anh. Theo đề án sắp xếp, H.Đông Anh từ 24 đơn vị cấp xã giảm xuống còn 5 đơn vị. Mỗi xã được bố trí cao nhất là 33 cán bộ cấp ủy.
"Trừ 2 cơ cấu cứng thuộc lực lượng quân đội, công an thì mỗi xã còn 31 cán bộ cấp ủy. 5 xã mới thì có 155 cán bộ (chiếm khoảng 45% số lượng cán bộ hiện tại). Như vậy, sẽ có khoảng 55% cán bộ (184 người) từ phó chủ tịch, phó phòng trở thành chuyên viên. Đây là nội dung có thể nói là rất trăn trở, băn khoăn, quy trình phải thế nào để đảm bảo khách quan, chọn đúng người, đúng việc", ông Kiên nói.
Cùng nêu ý kiến về công tác cán bộ, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, cán bộ ở các quận nội đô lịch sử thuộc diện phải sắp xếp là rất nhiều so với biên chế.
Tại Q.Hoàn Kiếm hiện có 632 cán bộ công tác tại các khối Đảng, chính quyền quận và phường. Số lượng hiện có cao hơn khoảng 80% so với định hướng biên chế.
Trong khi đó, trên 98% cán bộ, công chức Q.Hoàn Kiếm có bằng đại học trở lên phù hợp yêu cầu vị trí việc làm, bao gồm hơn 20% có trình độ thạc sĩ, 42% là cán bộ trẻ (dưới 40).
Vì vậy, ông Định kiến nghị Thành ủy Hà Nội xem xét, bố trí, điều động cán bộ có năng lực đến công tác tại các phường lân cận còn thiếu theo đề xuất của quận.
Không để sót cán bộ tốt khi bố trí cán bộ ở xã, phường mới
Nêu ý kiến tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong Hướng dẫn số 9 đã nêu rất rõ thứ tự ưu tiên khi bố trí cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của thành phố.
Theo đó, thứ tự ưu tiên thứ nhất là bố trí cán bộ đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có trong quy hoạch. Thứ tự ưu tiên thứ 2 là các cán bộ chưa có trong quy hoạch hoặc còn thiếu một số điều kiện, tiêu chuẩn nhưng đáp ứng được năng lực về công việc. Điều này thể hiện quan điểm dựa vào chất lượng, năng lực để bố trí cán bộ.
Ông Hải nhấn mạnh, khi sắp xếp, nếu địa phương nào thấy cán bộ có năng lực bị dôi dư thì có thể báo cáo, giới thiệu với Thành ủy Hà Nội để bố trí, sắp xếp cán bộ đến công tác tại xã, phường khác. Điều này để đảm bảo "không sót, lọt cán bộ tốt".
"Đề nghị các quận, huyện quán triệt tinh thần này. Vì qua theo dõi thì có những cán bộ đang ở dưới, chưa có quy hoạch nhưng năng lực lại rất tốt. Trong công tác bố trí cán bộ, chất lượng mới là quy định hàng đầu", ông Hải nói.
Phát biểu kết luận, Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh việc bố trí, sắp xếp cán bộ dứt khoát phải dựa trên quan điểm "vì việc tìm người", không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng.
Sau khi hình thành xã mới, Hà Nội phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
"Mục tiêu của chúng ta là hướng đến việc xây dựng bộ máy cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng quản trị hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng rộng rãi khoa học, công nghệ", ông Phong nói.