Hà Nội muốn dùng ký túc xá, trung tâm thương mại làm trụ sở phường mới

Sau khi thành lập 126 xã, phường mới, TP.Hà Nội đề xuất sử dụng tạm thời một trong số các tòa nhà trong ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp và Trung tâm thương mại Trung Văn làm trụ sở 2 phường mới.
Theo Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP.Hà Nội vừa được thông qua, Hà Nội sẽ có 126 xã, phường mới trên cơ sở sáp nhập, sắp xếp địa giới hành chính của 526 xã, phường, thị trấn.
Dùng ký túc xá làm trụ sở P.Yên Sở
Theo đề án do UBND TP.Hà Nội soạn thảo, thành phố dự kiến bố trí nơi làm việc cho các xã, phường mới tại các trụ sở cũ của 30 quận, huyện, thị xã và một số phường, xã.
Riêng đối với P.Yên Sở, Hà Nội dự kiến trụ sở các cơ quan của phường mới, gồm: đảng ủy, HĐND, UBND, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ được bố trí tạm thời tại một trong số các tòa nhà sinh viên hiện có tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp.
P.Yên Sở hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của P.Yên Sở (Q.Hoàng Mai); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Thịnh Liệt, Hoàng Liệt, Trần Phú (Q.Hoàng Mai); xã Tứ Hiệp, TT.Văn Điển (H.Thanh Trì).
Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho học sinh, sinh viên (thường gọi là khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp), trên đường Trần Thủ Độ (P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai) được khởi công từ năm 2009, gồm 6 hạng mục tòa nhà (A1 - A6) với tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỉ đồng.
Khu vực này rộng 40.000 m2, nằm sát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đến đầu năm 2015, tòa nhà A1, A5, A6 hoàn thành đi vào hoạt động nhưng rất ít học sinh, sinh viên đến thuê. Các tòa nhà A2, A3 đã xây dựng phần thô nhưng còn thiếu vốn nên bỏ hoang. Tòa nhà A1 đã đầy đủ hạ tầng nhưng cũng đang bị bỏ hoang, tòa nhà A4 thì chưa khởi công.
Năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất chuyển tòa A2, A3 thành nhà ở xã hội. Năm 2024 TP.Hà Nội đã lên kế hoạch dành hơn 220 tỉ đồng để thực hiện đề xuất này.
Dùng trung tâm thương mại làm trụ sở P.Trung Văn
Cũng theo đề án, Hà Nội dự kiến sử dụng Trung tâm thương mại Trung Văn (ở đường Đồng Sợi, P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm) làm trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của P.Đại Mỗ mới.
P.Đại Mỗ được thành lập trên cơ sở nhập một diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Đại Mỗ, Trung Văn, Phú Đô, Mễ Trì (Q.Nam Từ Liêm); Mộ Lao, Dương Nội (Q.Hà Đông); Trung Hòa (Q.Cầu Giấy); Nhân Chính (Q.Thanh Xuân).
Nói về nguyên nhân muốn lấy trung tâm thương mại làm trụ sở phường mới, Hà Nội cho biết trên địa bàn P.Trung Văn hiện chỉ có một trụ sở cơ quan hành chính có thể sử dụng, nhưng diện tích lại không đủ để bố trí đầy đủ các cơ quan của P.Đại Mỗ sau sáp nhập.
Trung tâm thương mại Trung Văn gồm nhiều khu nhà cao 2 tầng, trong đó khu vực tầng 1 được chia nhỏ để phục vụ kinh doanh. Trung tâm này xây năm 2012 nhưng đến nay nhiều gian chưa được sử dụng.
Riêng đối với P.Hồng Hà mới, trong đề án chưa đưa ra vị trí dự kiến đặt trụ sở của đơn vị hành chính này.
P.Hồng Hà được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phúc Tân, Chương Dương (Q.Hoàn Kiếm); Phúc Xá (Q.Ba Đình); và diện tích tự nhiên, dân số của các phường: Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (Q.Tây Hồ), Thanh Lương, Bạch Đằng (Q.Hai Bà Trưng); Phú Thượng, Quảng An (Q.Tây Hồ); diện tích phần mặt nước và bãi giữa sông Hồng của các phường: Ngọc Thụy, Bồ Đề (Q.Long Biên).
Tuy nhiên, Hà Nội định hướng nơi đặt trụ sở P.Hồng Hà sẽ ở trung tâm, có hạ tầng đồng bộ, nhất là kết nối của hệ thống giao thông giữa trụ sở của đơn vị hành chính và cộng đồng dân cư.