Hà Nội: Hỏa hoạn 'rình rập' cây xăng

Kho xưởng "núp bóng" mô hình "hoa chậu treo"
Theo bà Tuyết, vào năm 2017, sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bà đã đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu và khu dịch vụ tại xã Đông Dư (H.Gia Lâm, Hà Nội). Ở thời điểm này, xung quanh cửa hàng xăng dầu của bà chỉ toàn là ruộng.
Theo phương án phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được thẩm duyệt, cây xăng của bà Tuyết đảm bảo khoảng cách tối thiểu tới công trình xây dựng liền kề là 25 m.
Mối lo ập đến với bà Tuyết khi bên cạnh cửa hàng xăng dầu xuất hiện kho xưởng băng keo "núp bóng" mô hình "hoa chậu treo và cây nội thất theo hướng ứng dụng công nghệ cao" được UBND H.Gia Lâm phê duyệt vào tháng 4.2017 cho gia đình bà Ngô Thị Phái (ngụ xã Đông Dư). Kho xưởng này nằm trên mặt đường Giáp Hải.
Nhận thấy kho xưởng nằm sát bồn chứa xăng dầu nên không tuân thủ khoảng cách để đảm bảo an toàn PCCC, bà Tuyết đã nhiều lần phản ánh vụ việc đến Chủ tịch UBND xã Đông Dư, UBND H.Gia Lâm.
Tuy nhiên, theo bà Tuyết, kiến nghị của bà về việc giải tỏa nhà xưởng nhà bà Phái không những không được cơ quan chức năng giải quyết mà còn diễn biến nghiêm trọng hơn khi xuất hiện một kho xưởng sản xuất thứ 2 rộng hàng nghìn m2, nằm sau lưng cửa hàng xăng dầu.
Đặc biệt, sáng 26.3 vừa qua, kho xưởng này đã xảy ra hỏa hoạn. Do kho xưởng chứa nhiều vật liệu dễ cháy nên khói lửa bốc lên cuồn cuộn, rồi nhanh chóng lan sang các cửa hàng, nhà xưởng bên cạnh.
"Khi hỏa hoạn xảy ra, nhân viên cây xăng cùng mọi người hô hoán nhau lắp vòi nước vào máy cao áp hỗ trợ dập lửa và làm mát bức tường chống cháy ở bồn ngầm chứa xăng cạnh kho xưởng. Nếu lửa bén vào bồn ngầm thì không biết hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào", bà Tuyết bức xúc.
Đứng trước hiểm họa cháy nổ đang "rình rập" cửa hàng xăng dầu, bà Tuyết mong muốn chính quyền sở tại cùng cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm của các bên có liên quan đến kho xưởng sản xuất băng keo để đảm bảo an toàn PCCC cho cửa hàng.
Vì sao xã để tồn tại kho xưởng băng keo nằm sau lưng cây xăng?
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên vào đầu tháng 4, kho xưởng của nhà bà Phái hiện chỉ còn lại đống đổ nát. Nhiều đồ đạc, cuộn băng keo cỡ lớn trong kho xưởng bị sức nóng của ngọn lửa thiêu rụi, biến dạng hoàn toàn.
Nhưng ngay sát kho xưởng bị cháy, một kho xưởng sản xuất băng keo khác vẫn đang tiếp tục hoạt động.
Liên quan đến vụ cháy kho xưởng, ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Đông Dư, cho biết sau khi mô hình được phê duyệt thì bà Phái có lúc sử dụng khu đất này không đúng mục đích, làm kho xưởng băng keo.
Phía xã đã nhiều lần đến lập biên bản, kiểm tra, xử phạt về việc sử dụng đất không đúng mục đích, yêu cầu gia đình bà Phái di dời toàn bộ tài sản sử dụng không đúng mục đích ra khỏi kho xưởng này.
"Sau đó, bà Phái đã di dời toàn bộ tài sản ra khỏi nhà xưởng. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, thỉnh thoảng vật tư được chuyển về để ở khu vực này. Và ngày 26.3, nhà xưởng này đã xảy ra vụ cháy không đáng có", ông Khôi thông tin.
Ông Khôi cũng xác nhận ở khu đất sau lưng cây xăng dầu của bà Tuyết đang tồn tại kho và nhà xưởng sản xuất băng keo này do ông Ngô Văn Chương (em trai bà Phái) làm chủ đầu tư. Đặc biệt, kho xưởng này cũng chưa đảm bảo an toàn PCCC.
Khi PV Thanh Niên thắc mắc về việc để tồn tại khu nhà xưởng rộng hàng nghìn m2 sau lưng cây xăng có đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định không thì ông Khôi không trả lời thẳng vào câu hỏi. Thay vào đó, ông phân bua rằng nhà xưởng này "cách xa cây xăng mà, cách 1 con đường bê tông nữa".
"Xã đã yêu cầu gia đình ông Chương xây dựng kế hoạch PCCC và các đơn vị đang hướng dẫn cho ông Chương để hoàn thiện hồ sơ về PCCC tại khu xưởng này", ông Khôi cho biết thêm.
PV Báo Thanh Niên đã nhiều lần liên lạc với Chủ tịch UBND H.Gia Lâm nhưng chưa nhận được hồi âm.